Nhật Bản: Đại học đẳng cấp thế giới để đổi mới xã hội

Akiyoshi Yonezawa là Giáo sư và là Phó Giám đốc của Văn phòng Chiến lược Quốc tế tại Đại học Tohoku, Nhật Bản. E-mail: akiyoshi.yonezawa.a4@tohoku.ac.jp.

Năm 2017 Nhật bản đã đưa ra chính sách về đại học đẳng cấp thế giới mới. Chính phủ chọn 6 trong số 86 trường đại học quốc gia để chỉ định là Đại học Quốc gia Đẳng cấp (Designated National Universities), những trường được chọn đều có truyền thống nghiên cứu lâu dài. Danh sách này gồm Đại học Tokyo, Đại học Kyoto, Đại học Tohoku, Viện Công nghệ Tokyo, Đại học Nagoya và Đại học Osaka. Sáu trường đại học này được trao cho những “đặc quyền” pháp lý, khác với tất cả các trường đại học quốc gia khác vốn vẫn đang có lợi thế đáng kể trong chương trình tài trợ của chính phủ quốc gia – họ khá khác biệt so với 90 trường đại học công lập địa phương và 604 trường đại học tư ở Nhật Bản. Các trường Đại học Quốc gia Đẳng cấp được kỳ vọng sẽ cạnh tranh với các trường đại học hàng đầu trên toàn thế giới. Vậy thì chính phủ quốc gia có thể làm gì cho họ và mong đợi gì từ họ?

Không phải là nỗ lực đầu tiên

Đây không phải là nỗ lực đầu tiên của Nhật Bản trong mong muốn tạo ra các trường đại học đẳng cấp thế giới. Trên thực tế, Nhật Bản được công nhận đã tích cực tham gia vào chính sách đại học đẳng cấp thế giới sau một loạt các dự án của chính phủ và các sáng kiến xuất sắc, ví dụ như Trung tâm Xuất sắc Thế kỷ 21 (2002, 2009), Trung tâm Xuất sắc Toàn cầu (2007, 2014), Toàn cầu 30 (2009, 2015) và Những Trường Đại học Toàn cầu Hàng đầu (từ 2014 trở đi).

Trái ngược với các trường mới nổi ở các nước láng giềng Trung Quốc, Singapore và Hàn Quốc, các trường đại học hàng đầu của Nhật Bản đã dần tụt xuống trong bảng xếp hạng trong hai thập kỷ qua. Hai lý do luôn được nhấn mạnh là tốc độ chậm chạp của quá trình quốc tế hóa các trường đại học nói riêng và của xã hội nói chung, và sự thiếu hụt về đầu tư tài chính. Mặc dù hai dự án Trung tâm Xuất sắc đầu tiên được đề cập ở trên được tài trợ bởi nguồn đầu tư trực tiếp vào các cụm nghiên cứu, tác động vẫn không đáng kể, một phần vì cơ sở hạ tầng khoa học và công nghệ cơ bản tại các trường đại học Nhật Bản được thiết lập từ trước khi các dự án này ra đời, cụ thể là những năm 1990 sau thời kỳ đỉnh cao kinh tế của đất nước. Từ năm 2007, tổ chức World Premier International Research Centre Initiatives chỉ đầu tư tập trung hơn vào một vài viện nghiên cứu. Vẫn còn quá sớm để đo lường tác động chính xác của các sáng kiến này đối với nghiên cứu và các trường đại học và với cả đất nước nói chung.

Dự án Global 30 cuối cùng chỉ hỗ trợ 13 trường đại học do đã có những thay đổi trong chính sách sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Dự án Đại học Toàn cầu Hàng đầu hiện đang hỗ trợ 13 trường đại học trong nỗ lực cạnh tranh toàn cầu và 24 trường đại học khác là ví dụ hàng đầu về quốc tế hóa. Các dự án này không tài trợ cho nghiên cứu xuất sắc mà tăng cường quốc tế hóa các trường đại học thông qua các chỉ số hiệu suất chính như sử dụng các nhà nghiên cứu quốc tế và nâng cao trình độ tiếng Anh của sinh viên và nhân viên.

Các trường Đại học Quốc gia Đẳng cấp được kỳ vọng sẽ cạnh tranh với các trường đại học hàng đầu trên toàn thế giới.

Khi dự án Đại học Toàn cầu Hàng đầu được triển khai vào năm 2014, chính phủ đã tuyên bố mục tiêu của chính sách là nhằm thúc đẩy 10 trường đại học Nhật Bản lọt vào tốp 100 trong bảng xếp hạng thế giới. Thực tế, nội dung hồ sơ của các trường đại học hàng đầu ở Nhật Bản, ví dụ tỷ lệ sinh viên và giảng viên quốc tế, vẫn còn thấp trong bảng xếp hạng đại học toàn cầu, và cho đến nay vẫn còn nghèo nàn. Tốc độ quốc tế hóa chậm chạp của các trường đại học Nhật Bản phần lớn phản ánh sự chậm chạp quốc tế hóa của toàn bộ hệ thống giáo dục và thị trường lao động ở đất nước này.

Cốt lõi của chính sách đổi mới quốc gia

Chính phủ Nhật Bản hiện đang cố gắng sử dụng các trường đại học nghiên cứu như một động lực chính để phát triển kinh tế quốc gia và thúc đẩy một chính sách kinh tế và tài chính tích hợp gắn liền với đổi mới công nghiệp. Các trường đại học nghiên cứu hàng đầu hiện đang thu hút sự chú ý không chỉ từ Bộ giáo dục, văn hóa, khoa học và công nghệ, mà còn từ các văn phòng nội các như Hội đồng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới, và Hội đồng Chính sách Tài khóa và Kinh tế.

Khác với các sáng kiến xuất sắc và các chương trình quốc tế hóa trước đây, khi lựa chọn các trường đại học quốc gia đẳng cấp, chính phủ tập trung nhiều vào năng lực của trường đưa ra được tầm nhìn, kế hoạch và năng lực thực hiện những thay đổi, cho phép trường đạt được vị thế hàng đầu thế giới. Các trường đại học ứng tuyển được yêu cầu trình bày bản tự đánh giá những điểm mạnh và điểm yếu của họ, đánh giá các mục tiêu đã đạt được dựa trên các chuẩn mực thực tiễn tốt và đo lường hiệu suất, đánh giá chiến lược thực hiện nghiên cứu hàng đầu và phát triển nguồn nhân lực và đánh giá những đóng góp của họ cho nền kinh tế và xã hội thông qua cách giải quyết các thách thức toàn cầu và quốc gia. Các hướng dẫn yêu cầu các trường đại học trình bày cả về những chủ đề như cách thu hút và phát triển nguồn nhân lực, cải thiện năng lực nghiên cứu và quản trị đại học, tăng cường nền tảng tài chính, hợp tác quốc tế và liên kết với xã hội rộng hơn.

Hãy tự hỏi bạn có thể làm gì cho đất nước

Ông Takeshi Sasaki – chủ tịch của ủy ban đánh giá dự án Đại học Quốc gia Đẳng cấp, đã bày tỏ sự lo ngại về nền tảng tài chính dễ bị tổn thương của ngay cả các trường đại học nghiên cứu hàng đầu tại Nhật Bản. Mong muốn của ông là thấy nguồn hỗ trợ công được mở rộng và hỗ trợ từ xã hội tăng thêm, đặc biệt thông qua sự đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp và cá nhân, với sự ủng hộ từ chính phủ.

Tuy nhiên, trên thực tế, trạng thái “Đẳng cấp” mới của các trường không chắc chắn đảm bảo các lợi thế tài chính. Khoản tài trợ công liên quan trực tiếp đến chương trình này chỉ chiếm một phần nhỏ trong chi phí hoạt động của các trường đại học, với khoảng 0,2% thu nhập hàng năm của họ. Thay vào đó, chính phủ hy vọng những trường đại học được lựa chọn sẽ tham gia tích cực hơn vào việc tạo thu nhập từ các nguồn phi chính phủ, ví dụ như từ quyên góp từ thiện và hợp tác doanh nghiệp-đại học. Thông điệp cơ bản là phát triển năng lực quản lý trong các trường đại học là con đường bền vững duy nhất để họ đạt được vị thế thế giới, và các trường đại học được yêu cầu đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của nền kinh tế tri thức quốc gia. Ở đây, thông điệp của chính phủ gửi tới các trường đại học dường như là “Đừng hỏi đất nước có thể làm gì cho bạn; hãy tự hỏi bạn có thể làm gì cho đất nước”, như Tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy đã nói trong phát biểu năm 1961 của ông. Về khía cạnh đó, đề xuất và thực hiện kế hoạch đặc biệt này đã kích thích một cuộc thảo luận có hệ thống về cách một trường đại học có thể thiết lập và đóng góp vào vòng tròn đạo đức giữa sự phát triển của trường và tác động kinh tế xã hội của sự phát triển đó.

Trái ngược với tầm nhìn chính thức, hỗ trợ ở cấp nội các cho chính sách dường như lại tăng cường sự can thiệp của chính phủ vào việc điều hành và quản trị đại học – yêu cầu đóng góp vào sự phát triển kinh tế thông qua quan hệ doanh nghiệp, và đổi mới giáo dục và nghiên cứu là chức năng cốt lõi của trường đại học. Thách thức mới này đối với các trường đại học đang có tham vọng vươn lên tầm cỡ thế giới – kỳ vọng họ tự tạo ra thu nhập cho mình – dường như là một chính sách rủi ro, trong bối cảnh không chắc chắn xung quanh cơ chế phức tạp liên kết các hoạt động tri thức dài hạn tại các trường đại học và tính chất thương mại hóa của doanh nghiệp. Điều đặc biệt cần lưu ý là môi trường kinh doanh của Nhật Bản chịu sự thống trị chủ yếu của các doanh nghiệp toàn cầu thường có trụ sở tại Hoa Kỳ. Rõ ràng là các trường đại học sẽ phải vật lộn và đấu tranh để giành quyền tự chủ tài chính và cuối cùng, để xác định danh tính mới của mình.