Bằng tú tài quốc tế tại Nhật Bản

Yukiko Ishikura là Giảng viên tại Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học và Tuyển sinh Toàn cầu (CHEGA), Đại học Osaka, Nhật Bản. E-mail: ishikura@chega.osaka-u.ac.jp.

Công việc nghiên cứu dẫn đến bài viết này được dự án JSPS KAKENHI Grand Number JP40762414 tài trợ.

Tổ chức Tú tài quốc tế (IB) cung cấp các chương trình học được quốc tế công nhận, đào tạo học sinh biết tư duy phê phán và hành động độc lập như những cá nhân đủ năng lực quốc tế. Trong những năm gần đây, IB đã mở rộng nhanh chóng trên toàn thế giới. Theo tổ chức IB, số lượng chương trình IB trên toàn cầu đã tăng 39,3% từ năm 2012 đến 2017, do nhiều hệ thống giáo dục đã công nhận giá trị của việc giáo dục để học sinh trở thành những công dân toàn cầu. Xu hướng này bộc lộ rõ ở Nhật Bản, nơi gần đây các trường IB mở rộng nhanh chóng nhờ một loạt các sáng kiến của chính phủ. Bài viết này tập trung làm sáng tỏ xu hướng mở rộng IB toàn cầu qua lăng kính kinh nghiệm của Nhật Bản và đề cập đến những thách thức và cơ hội mà sự thay đổi này mang lại cho giáo dục đại học Nhật Bản.

Năm 2011, chính phủ Nhật Bản đã công bố một sáng kiến đầy tham vọng có tên là “Dự án 200 trường IB” nhằm mục đích tăng số lượng chương trình văn bằng tú tài IB (IB Diploma Programmes – IBDP) lên 200 trong 5 năm tới. Chương trình giảng dạy IB coi trọng việc học tập và tư duy phê phán phù hợp với mục tiêu lâu dài của chính phủ đối với giáo dục trung học và đại học, chuyển đổi phương pháp giảng dạy và học tập từ học tập dựa trên kiến thức (knowledge-based learning) sang học tập dựa trên truy vấn (inquiry-based learning).

Mặc dù có thể đưa ra một chương trình tuyển sinh IB đặc biệt, các trường đại học vẫn ngày càng lo lắng về việc liệu học sinh IB có phù hợp với bối cảnh giáo dục đại học Nhật Bản hay không.

Trường IB đầu tiên tại Nhật Bản được thành lập vào năm 1979. Sau đó, số lượng trường IB tại nước này tăng rất chậm. Trước khi sáng kiến mới của chính phủ được công bố vào năm 2011, Nhật Bản chỉ có 11 trường IBDP; và chủ yếu là các trường quốc tế (9 trường quốc tế và 2 trường trung học One Article giảng dạy theo chương trình quốc gia). Do số lượng trường quốc tế tại Nhật Bản có hạn, nên cần thu hút thêm nhiều trường One Artiecle hơn để đạt được mục tiêu 200 trường IB. Tuy nhiên, ngôn ngữ giảng dạy trong các trường IB phải là tiếng Anh trở thành một yếu tố cản trở lớn. Để giảm bớt gánh nặng ngôn ngữ, chính phủ Nhật Bản và tổ chức IB đã có sáng kiến chung là giới thiệu các chương trình IBDP song ngữ, với một sửa đổi nhỏ là lùi mục tiêu ban đầu của dự án đến năm 2018. Mặc dù đã được chương trình IBDP song ngữ hỗ trợ, mục tiêu của Dự án 200 trường học IB vẫn phải sửa đổi; mục tiêu mới là thành lập được 200 trường IB, bao gồm Chương trình tiểu học (PYP) và Chương trình Trung học (MYP) vào năm 2020. Tính đến năm 2018, Nhật Bản có tổng số 58 trường IB (bao gồm PYP, MYP và DP) so với chỉ 17 trường IB trước năm 2011. Nhật Bản vẫn cần nhiều thời gian và nỗ lực hơn để đạt được mục tiêu, nhưng đã chứng tỏ sự tiến bộ rõ rệt trong việc tăng đáng kể số lượng trường IB trong một thời gian ngắn. Trong khi các sáng kiến hiện tại chắc chắn đang thúc đẩy Nhật Bản hướng tới thay đổi, nhiều thách thức nảy sinh liên quan đến việc học sinh từ IB thi vào các trường đại học Nhật Bản. IBDP đã được chính phủ Nhật Bản chính thức công nhận là đủ điều kiện cho đầu vào đại học từ năm 1979, tuy nhiên nhiều người trong hệ thống giáo dục vẫn không chấp nhận hoàn toàn. Vấn đề chủ yếu ở Nhật Bản là bảng điểm của IBDP được nhìn nhận khác nhau tùy thuộc vào nền tảng của học sinh. Tuy nhiên, tình trạng này gần đây đã thay đổi dưới tác động của sự mở rộng IB tại Nhật Bản.

Liên kết giữa IB và các trường đại học Nhật Bản

Các trường đại học tư đã dẫn đầu xu hướng công nhận văn bằng IB khi xét tuyển đại học tại Nhật Bản, trong khi các trường đại học quốc gia và công lập bị tụt lại phía sau. Kết quả là một dòng chảy đáng kể học sinh của các trường IB địa phương đăng ký vào các trường đại học tư nhân địa phương hoặc thậm chí các trường đại học ở nước ngoài. Các trường đại học quốc gia và công lập giới hạn đối tượng tuyển sinh từ các trường IB địa phương, học sinh từ nước ngoài trở về và học sinh thông thường. Đối tượng thứ nhất là những học sinh kiều dân Nhật được giáo dục ở ngoài Nhật Bản và sau đó trở về. Đối tượng thứ hai là những học sinh có quốc tịch Nhật Bản, không có kinh nghiệm ở nước ngoài. Học sinh thuộc nhóm đối tượng thứ hai phải tham gia kỳ thi quốc gia. Như vậy, học sinh các trường IB cần tham gia cả kỳ thi tốt nghiệp IB và kỳ thi quốc gia Nhật Bản. Yêu cầu này là lý do chính khiến học sinh các trường IB địa phương chọn theo học ở các trường đại học tư nhân địa phương hoặc trường đại học ở nước ngoài.

Để vượt qua kỳ thi quốc gia, học sinh các trường IB cần chuẩn bị hoàn toàn khác so với kỳ thi cuối kỳ của IB. Giữa cách dạy và học trong các trường phổ thông Nhật Bản và trong các trường IB có những khác biệt. Chương trình giảng dạy trong các trường Nhật Bản nói chung nhấn mạnh vào học tập dựa trên kiến thức, trong khi IB nhấn mạnh vào học tập dựa trên truy vấn và tư duy phản biện. Để giải quyết vấn đề này, các trường đại học quốc gia đã bắt đầu đưa ra chương trình tuyển sinh đặc biệt dành cho sinh viên tốt nghiệp IB mà không yêu cầu họ phải tham gia kỳ thi quốc gia. Chương trình tuyển sinh đặc biệt này thường dành cho những học sinh đã hoàn thành IBDP, có trình độ tiếng Nhật cao – học sinh phải có trình độ A hoặc B tiếng Nhật để vào học chương trình đại học giảng dạy bằng tiếng Nhật. Hơn nữa, hầu hết các trường đại học đều đặt ra hạn ngạch tuyển sinh từ các trường IB, được gọi là Jyakkan mei trong tiếng Nhật, có nghĩa là “một vài” hoặc “một số nhỏ”. Cách diễn đạt này không chỉ ra một con số cụ thể, nhưng là một tín hiệu rằng các trường đại học quốc gia chỉ chấp nhận một số lượng hạn chế học sinh từ các trường IB.

Các trường đại học thường rất cẩn thận khi đưa ra những lộ trình tuyển sinh mới nếu những lộ trình này có khả năng thu hút một lượng sinh viên mà trước đây họ chưa từng chấp nhận. Tuyển sinh đại học đóng một vai trò quan trọng ở Nhật Bản, bởi vì văn hóa Nhật mặc định rằng các trường đại học có trách nhiệm chăm sóc tốt cho sinh viên và đảm bảo để họ hoàn thành việc học tập trong bốn năm. Thật vậy, tỷ lệ bỏ học trong các trường đại học Nhật Bản rất thấp, chỉ là 2,65% theo khảo sát năm 2012 của chính phủ. Để đảm bảo rằng họ có thể hoàn thành được trách nhiệm xã hội này, các trường đại học lựa chọn sinh viên rất kỹ lưỡng và cẩn thận.

Mặc dù có thể đưa ra một chương trình tuyển sinh IB đặc biệt, các trường đại học vẫn ngày càng lo lắng về việc liệu học sinh IB có phù hợp với bối cảnh giáo dục đại học Nhật Bản hay không. Điều này đã trở thành động lực chính khiến chính phủ thúc đẩy việc tái xem xét các phương pháp giảng dạy và học tập trong giáo dục trung học và đại học, sử dụng IB như một công cụ để thúc đẩy sự thay đổi.

Tiến về phía trước

Chính phủ vẫn là động lực chính thúc đẩy cải cách giáo dục ở Nhật Bản, khi cố gắng mang lại nhiều thay đổi trong giáo dục trung học và đại học Nhật Bản thông qua các dự án khác nhau. Dự án 200 trường IB tạo ra nhiều thách thức cho văn hóa giáo dục Nhật Bản hiện tại. Tuy nhiên, tùy thuộc vào cách xử lý những thách thức đó, chúng có thể biến thành cơ hội để Nhật Bản thay đổi.

IBDP được biết đến như một chương trình chuẩn bị cho học sinh vào đại học. Đã có nhiều cuộc thảo luận về cách chuẩn bị cho học sinh vào đại học, nhưng hiếm khi các nhà giáo dục thảo luận về cách các trường đại học chuẩn bị để tiếp nhận sinh viên. Đối tượng sinh viên ngày càng trở nên đa dạng; khi vào đại học, sinh viên mang theo những kỳ vọng khác nhau về việc dạy và học. Đã đến lúc các trường đại học cần cân nhắc thay đổi mô hình giáo dục của mình để phù hợp với những thay đổi của sinh viên.

Mặc dù bài viết này tập trung vào học sinh IB nói riêng, nhưng lập luận này có thể dễ dàng áp dụng cho tất cả sinh viên đại học. Bằng cách cố gắng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của sinh viên IBDP, các trường đại học có thể nâng cao sự hài lòng của không chỉ sinh viên quốc tế mà cả sinh viên Nhật Bản, cải thiện được trải nghiệm học tập và kết quả giáo dục của tất cả mọi người.