Hee Kyung Lee là Sinh viên cao học Khoa Giáo dục, Đại học Yonsei, Seoul, Hàn Quốc. E-mail: hklee2@yonsei.ac.kr. Byung Shik Rhee là Giáo sư đại học và Giám đốc Trung tâm Giáo dục Toàn cầu, khoa Giáo dục, Đại học Yonsei. E-mail: beyoung@yonsei.ac.kr.
Trong nhiều thập kỷ qua, một số lượng lớn sinh viên bậc đại học ra nước ngoài du học và chủ yếu đến các nước nói tiếng Anh. Tuy nhiên, gần đây sinh viên đang đang tìm kiếm thêm những lựa chọn khác. Thông qua các chiến lược quốc tế hóa tại chỗ như tăng cường sử dụng tiếng Anh trong các trường đại học, Hàn Quốc đã trở thành một trong những quốc gia được sinh viên quốc tế chọn làm đích đến.
Gần đây, các tổ chức giáo dục đại học Hàn Quốc chứng kiến một mô hình quốc tế hóa mới đang phát triển nhanh chóng, kết hợp các đặc điểm hiện tại của mô hình quốc tế hóa truyền thống – sinh viên quốc tế đến du học được dạy bằng ngôn ngữ của nước sở tại, và mô hình quốc tế hóa đã một thập kỷ của Hàn Quốc – trong đó sinh viên quốc tế theo học những chương trình riêng – với các chương trình được thiết kế mới theo nhu cầu. Ở đây chúng tôi gọi sự kết hợp này là mô hình lai quốc tế hóa theo nhu cầu, định hướng địa phương, ngắn gọn là mô hình lai. Mặc dù còn quá sớm để đánh giá ưu nhược điểm của mô hình này, chúng tôi hy vọng bài viết này sẽ giúp các cơ sở đào tạo đại học ở các nước đang phát triển không nói tiếng Anh có thêm thông tin về một chiến lược quốc tế hóa mới.
Một thập kỷ tiếp cận quốc tế hóa của giáo dục đại học Hàn Quốc
Để quốc tế hoá các trường đại học của mình, Hàn Quốc tập trung vào việc xây dựng môi trường học tập “thân thiện với tiếng Anh”. Các trường đại học tuyển giảng viên nước ngoài từ các trường ưu tú, thành lập các trường quốc tế nói tiếng Anh như Underwood International College thuộc Đại học Yonsei. Số lượng khóa học dạy bằng tiếng Anh tăng lên nhanh chóng. Ví dụ, Đại học Khoa học và Công nghệ Pohang đã trở thành một trường song ngữ Hàn-Anh cả trong học thuật và nghiệp vụ hành chính.
Ngoài ra, từ năm 2005 chính phủ Hàn Quốc bắt đầu cấp học bổng cho sinh viên quốc tế thông qua Dự án Du học Hàn Quốc. Họ cũng nỗ lực tạo ra một khu vực tập trung giáo dục toàn cầu bằng cách mời năm trường đại học nổi tiếng từ các nước phát triển nói tiếng Anh, như Đại học George Mason và Đại học Bang New York, đến mở phân hiệu ở Đặc khu Kinh tế Incheon. Cách tiếp cận quốc tế hóa này tỏ ra khá thành công: trong một thập kỷ, số sinh viên quốc tế đã tăng từ con số 9835 năm 2005 lên 45966 vào năm 2017.
Điều gì không ổn với cách tiếp cận nói trên?
Mặc dù cách tiếp cận này giúp gia tăng chưa từng thấy số lượng sinh viên quốc tế đến Hàn Quốc, chiến lược kéo dài một thập kỷ qua tỏ ra chỉ thành công một phần, vì ba lý do. Đầu tiên, chỉ môi trường sử dụng tiếng Anh không đủ sức thu hút được đông đảo sinh viên quốc tế. Hầu hết sinh viên du học đến từ các nước châu Á, chủ yếu là Trung Quốc và ở Hàn Quốc họ không quan tâm đến việc học tiếng Anh nhiều như ở các nước nói tiếng Anh. Các nghiên cứu còn cho thấy một số sinh viên đến Hàn Quốc vì sự hấp dẫn của văn hóa và ngôn ngữ Hàn.
Thứ hai, về dài hạn chiến lược này rõ ràng không hiệu quả về chi phí. Bởi vì chiến lược này không đáp ứng được nhu cầu học tập của số đông sinh viên quốc tế, các trường đại học Hàn Quốc chỉ có thể cung cấp một môi trường học thuật hạn chế cho họ. Do đó, để thu hút được sinh viên quốc tế cần có những chương trình học bổng bổ sung, việc này gây tốn kém cho cả chính phủ và các trường đại học.
Để quốc tế hoá các trường đại học của mình, Hàn Quốc tập trung vào việc xây dựng môi trường học tập “thân thiện với tiếng Anh”. |
Thứ ba, tạo ra môi trường học tập thân thiện với tiếng Anh không phải là thế mạnh của Hàn Quốc bởi vì tiếng Anh không phải là ngôn ngữ học thuật chính của Hàn Quốc. Mặc dù một số lượng lớn học giả Hàn Quốc đã trải qua thời gian học tập để lấy bằng cấp mới nhất của họ ở những nước nói tiếng Anh, giảng viên các nước khác cũng vậy. Một quốc gia bất kỳ có nguồn tài chính và nhân lực đều có thể theo đuổi chiến lược này. Tóm lại, chiến lược này không đáp ứng nhu cầu, không hiệu quả về chi phí và không có tính cạnh tranh như mong đợi.
Phát triển gần đây: mô hình lai mới nổi
Mới đây, tại Hàn Quốc nổi lên một mô hình quốc tế hoá mới mà chúng tôi đề xuất gọi là mô hình “đáp ứng nhu cầu, định hướng địa phương và lai”, một cách ngắn gọn là mô hình lai. Ví dụ, Global Leaders College (GLC) thuộc Đại học Yonsei, chỉ tuyển sinh viên quốc tế có nền tảng giáo dục không liên quan đến Hàn Quốc; chương trình học của họ được thiết kế riêng. Điểm độc đáo ở đây là trường thiết kế và giảng dạy những gì sinh viên muốn học: đó là văn hoá và ngôn ngữ Hàn.
Vì sao mô hình lai tỏ ra tốt hơn? Trước hết là hiệu quả tài chính cao hơn. Do không bị hạn chế về chỉ tiêu tuyển sinh cũng như không có quy định trần học phí đối với sinh viên quốc tế, các trường đại học có thể thu học phí nhiều hơn và tạo được doanh thu. Mô hình này cũng giúp giảm được chi phí do không cần giảng viên nói tiếng Anh.
Thứ hai, mô hình này bảo đảm được lợi ích cho cả nhà cung cấp dịch vụ và người học. Với chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu người học, như hỗ trợ học Tiếng Hàn, hoặc chuyên ngành “Giáo dục Văn hoá và Ngôn ngữ Hàn”, GLC nhận ra và tôn trọng lý do sinh viên quốc tế lựa chọn học tập tại Hàn Quốc. Giảng viên không còn lo lắng về tác động tiêu cực của tiếng Anh đến chất lượng giảng dạy của họ. Thực ra đây là một mô hình có thể áp dụng cho bất kỳ quốc gia nào muốn sử dụng những lợi thế độc đáo của mình để tiến hành quốc tế hoá giáo dục đại học.
Mô hình này có bền vững không?
Việc áp dụng mô hình lai này có thể giảm thiểu quan niệm thiên lệch trước đây cho rằng các nước không thuộc phương Tây chỉ có thể thúc đẩy năng lực cạnh tranh quốc gia bằng cách tích hợp vào mạng lưới học thuật toàn cầu nói tiếng Anh. Mô hình này cũng đề cao sức mạnh và lợi thế cạnh tranh về năng lực giáo dục của mỗi quốc gia. Ngoài ra, ưu thế của tiếng Anh hiện nay đang bị đe dọa bởi chính sách chống nhập cư của các quốc gia lớn nói tiếng Anh, việc tận dụng văn hóa và ngôn ngữ Hàn Quốc như một nguồn tài nguyên là một điều mới lạ và tạo thêm cơ hội.
Mô hình này có bền vững không? Có thể. Văn hoá Hàn đã và đang có ảnh hưởng sâu rộng, thể hiện qua Olympic Mùa Đông 2018 ở PyeongChang với màn K-Pop khai mạc và bế mạc hết sức sinh động. Câu hỏi là văn hoá và ngôn ngữ Hàn tiếp tục hấp dẫn đến khi nào? Quan trọng tương tự là câu hỏi chiến lược này đúng đắn đến mức nào, hoặc những gì nên được duy trì. Thực ra, mô hình lai này vẫn không giải quyết được vấn đề tồn tại của quốc tế hóa – chủ nghĩa tư bản hàn lâm, thậm chí còn góp phần duy trì nó. Nghe có vẻ hợp lý rằng các trường đại học nên đáp ứng nhu cầu của sinh viên quốc tế vì sinh viên trả tiền để nhận được dịch vụ, tuy nhiên chúng ta cũng không nên cho phép cách tiếp cận theo hướng thị trường chiếm ưu thế trong nỗ lực quốc tế hóa. Có thể sinh viên quốc tế đến Hàn Quốc đơn giản chỉ để thụ hưởng dịch vụ giáo dục. Dù thế nào đi nữa, các trường đại học vẫn có trách nhiệm xã hội là thúc đẩy trải nghiệm đa văn hóa và toàn cầu của sinh viên trong nước, đặc biệt những người không đủ khả năng đi du học; trong khi đó bản chất riêng biệt của mô hình lai này với sự tương tác hạn chế giữa sinh viên quốc tế và sinh viên địa phương lại khiến những cơ hội đó bị thu hẹp. Điều cần được duy trì không phải là sự dịch chuyển, mà là những trải nghiệm sinh viên nhận được từ việc thay đổi môi trường học thuật và môi trường xã hội nhờ vào sự dịch chuyển.
Tiến về phía trước
Hàn Quốc chắc chắn đã trở thành một trung tâm giáo dục của khu vực thông qua cung cấp kiến thức văn hóa và ngôn ngữ Hàn theo nhu cầu của sinh viên quốc tế. Mặc dù chiến lược này có thể mang lại lợi nhuận tốt hơn cho các trường đại học, các chiến lược quốc tế hóa bằng tiếng Anh vẫn quan trọng. Chúng không chỉ cung cấp trải nghiệm học tập có giá trị cho sinh viên trong nước, mà còn bởi vì tiếng Anh là ngôn ngữ học thuật của thời đại hiện nay.
Để mô hình lai bền vững, chúng ta cần làm cho nó hoàn thiện hơn và giúp sinh viên quốc tế không chỉ hài lòng khi học đại học mà còn phát triển sau khi tốt nghiệp. Sinh viên cần nhận được những kết quả lâu dài và xứng đáng với tiền bạc và thời gian họ đầu tư vào học tập. Kết quả đào tạo có giúp họ có thái độ cởi mở hơn đối với những khác biệt văn hóa hay không? Trong tương lai họ có thể áp dụng những điều học được vào công việc và các hoạt động hàng ngày hay không? Giải quyết thỏa đáng những hạn chế này, mô hình lai có thể đóng vai trò bổ sung cho mô hình quốc tế hóa bằng tiếng Anh vẫn phổ biến ở các quốc gia không nói tiếng Anh.