Anna-Malin Sandstrom là Chuyên viên về chính sách tại Hiệp hội Giáo dục Quốc tế châu Âu (EAIE), Hà Lan. E-mail: sandstrom@eaie.org.
Bài này dựa trên một ấn bản điện tử có thể truy cập tại https://www.eaie.org/our-resources/library/publication/E-book-series/english-taught-bachelors-programmes.html
Số lượng các chương trình cử nhân dạy bằng tiếng Anh (ETB) tăng nhanh chóng tạo ra nhiều tranh luận trong lĩnh vực giáo dục đại học. Ở Hà Lan đang diễn ra cuộc tranh luận công khai về tác động của những chương trình đào tạo dạy bằng tiếng Anh đối với các chương trình dạy bằng tiếng Hà Lan và với chất lượng giáo dục nói chung. Một nhóm vận động hành lang đã kiện hai trường đại học Hà Lan ra tòa vì giảng dạy quá nhiều chương trình bằng tiếng Anh, nhưng họ không thành công. Cũng như tiếng Hà Lan, ngôn ngữ chính thức của nhiều nước châu Âu thường không được sử dụng rộng rãi bên ngoài biên giới quốc gia. Điều này khiến cho các trường đại học ngày càng đưa ra nhiều chương trình đào tạo bằng ngoại ngữ, chủ yếu là bằng tiếng Anh, như một phần trong nỗ lực quốc tế hóa. Giảng dạy bằng ngoại ngữ bắt đầu ở bậc thạc sĩ và gần đây đã lan sang bậc đại học.
Bài viết này dựa trên phân tích các kết quả nghiên cứu của Hiệp hội Giáo dục Quốc tế châu Âu (EAIE) và Cổng Thông tin Học tập: các chương trình cử nhân dạy bằng tiếng Anh – quốc tế hóa giáo dục đại học châu Âu (2017). Nghiên cứu này tìm hiểu mức độ phổ biến của các chương trình ETB ở châu Âu, đánh giá lợi ích và thách thức cũng như dự đoán tương lai của chúng. Các kết quả được suy ra từ việc phân tích cơ sở dữ liệu Cổng Thông tin Học tập về các chương trình dạy bằng tiếng Anh trong các trường đại học tại 19 nước châu Âu, kèm thêm những dữ liệu định tính được thu thập trong năm 2017 thông qua phỏng vấn nhân viên các trường đại học và các cơ quan quốc gia ở Cộng hòa Séc, Phần Lan, Đức, Hà Lan, Ba Lan và Tây Ban Nha.
Toàn cảnh các chương trình cử nhân dạy bằng tiếng Anh ở châu Âu
Trong thập kỷ vừa qua, số lượng chương trình ETB ở châu Âu tăng lên theo cấp số nhân. Theo những người được phỏng vấn, chương trình ETB không chỉ trở nên phổ biến, mà giờ đây còn được coi là một hoạt động quốc tế hóa có tính chiến lược được cân nhắc kỹ trong các trường đại học. Phiên bản thứ 2 của công trình nghiên cứu Áp kế EAIE: Quốc tế hóa ở châu Âu cung cấp thêm minh chứng về điều này: 33% trong số 2317 người trả lời cho biết những chương trình dạy bằng ngoại ngữ là một hoạt động ưu tiên trong chiến lược quốc tế hóa của trường họ.
Tuy nhiên, các nước châu Âu có số lượng chương trình ETB dành cho sinh viên rất khác nhau. Trong các nước được tìm hiểu, Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều ETB nhất (545), tiếp theo là Hà Lan (317) và Tây Ban Nha (241). Các nước có ít ETB nhất là Rumani (32), Latvia (39) và Áo (59). Theo báo cáo, các ngành có nhiều ETB là kinh doanh và quản lý, khoa học xã hội và kỹ thuật, công nghệ.
Nếu so sánh các quốc gia theo tiêu chí số lượng trường đại học cung cấp ETB, Đức dẫn đầu với 69 trường (HEI), tiếp theo là Hà Lan (42) và Pháp (41). Síp (10), Latvia (9) và Romania (8) là những quốc gia có ít trường nhất. Nhưng một bức tranh khác sẽ xuất hiện nếu xem xét tỷ lệ phần trăm các trường đại học cung cấp ETB ở mỗi quốc gia. Thụy Sĩ – nơi hầu như tất cả các cơ sở đào tạo đều cung cấp những chương trình như vậy – là quốc gia có ETB phổ biến nhất trong giáo dục đại học, tiếp theo là Hà Lan (75% trường đại học cung cấp ETB) và Đan Mạch (70%). Rumani (9%), Pháp (13%) và Ba Lan (14%) là những nước có tỷ lệ trường đại học cung cấp ETB thấp nhất. Nhìn chung, ETB dường như là một khía cạnh quốc tế hóa phổ biến hơn tại các trường đại học ở những quốc gia nhỏ tại Bắc Âu hoặc Tây Âu.
Trong thập kỷ vừa qua số lượng chương trình ETB ở châu Âu tăng lên theo cấp số nhân. |
Thiếu kỹ năng tiếng Anh và thách thức tuyển sinh
Việc đưa ra các chương trình đào tạo ETB mang đến những thách thức riêng biệt. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tình trạng giảng viên, nhân viên thiếu kỹ năng tiếng Anh là một trở ngại chính. Một số người được phỏng vấn còn bày tỏ lo ngại rằng điều này có thể ảnh hưởng xấu đến chất lượng giáo dục. Thách thức nổi bật khác trong việc phát triển các chương trình ETB, đặc biệt là trong những năm đầu triển khai, liên quan đến việc xác định những lĩnh vực đào tạo ETB nào là phổ biến trong sinh viên và trong đối tượng tuyển sinh quốc tế (rất đa dạng). Tại một số quốc gia, việc tiếp nhận sinh viên quốc tế còn gặp thêm khó khăn do các quy định cứng nhắc liên quan đến công nhận văn bằng giáo dục trung học. Các vấn đề liên quan đến tích hợp sinh viên quốc tế và đảm bảo lớp học quốc tế hiệu quả cũng là thách thức lớn.
ETB như một phương tiện quốc tế hóa
Mặc dù vẫn có những rào cản, các chương trình ETB được các chuyên gia đánh giá là có tác động tích cực đối với cơ sở đào tạo của họ. ETB khiến cho nhiều thủ tục hành chính được quốc tế hóa, sinh viên quốc tế đông hơn và các lớp học trở nên đa dạng, số lượng nhân viên quốc tế tăng lên và kỹ năng tiếng Anh của nhân viên được cải thiện. Một số người cũng cảm thấy rằng ETB đã tạo điều kiện cho trào lưu quốc tế hóa. Do đó, các ETB dường như có tác động tích cực đến sự phát triển quốc tế hóa ở cấp cơ sở đào tạo và có thể được xem là một cơ chế thúc đẩy tiến trình này.
Các ETB dường như cũng có tác động tích cực vượt ra ngoài cơ sở đào tạo. Theo đại diện một số cơ quan quốc gia, ETB đem lại lợi ích tài chính cho cả cơ sở đào tạo và kinh tế địa phương, và mang đến ngày càng nhiều cơ hội quốc tế hóa tại chỗ và thu hút tài năng quốc tế cho đất nước. Một số nhân viên cơ quan quốc gia cũng đề cập tới một lợi ích khác của việc phát triển ETB, đó là chất lượng tăng. Tuy nhiên, những người khác – trong các trường đại học và cả cơ quan quốc gia – lại nêu ra những lo ngại về nguy cơ suy giảm chất lượng giáo dục do kỹ năng ngoại ngữ của giảng viên không đủ tốt và do việc hủy bỏ các chương trình chất lượng cao dạy bằng ngôn ngữ quốc gia.
Một tương lai lạc quan và được cân nhắc thấu đáo hơn cho các ETB
Nhìn chung, nghiên cứu cho thấy ETB được đa số đánh giá tích cực cả ở cấp quốc gia lẫn cơ sở đào tạo. Như giả thuyết của một người được phỏng vấn, điều này có thể đúng một phần, bởi vì ở hầu hết các nước châu Âu (không giống như ở Hà Lan) ETB chưa trở thành đại trà và không được xem là một chủ đề đặc biệt cần phải phân tích và tranh luận. Những người được phỏng vấn tin rằng trong tương lai các trường đại học của họ sẽ tiếp tục cung cấp ETB, rằng nhu cầu đối với chương trình vẫn tiếp tục tăng, do đó, việc cung cấp các chương trình cũng sẽ tăng trên toàn cầu. Đồng thời, những người được phỏng vấn cũng nhận ra rằng cần có chiến lược tiếp cận tốt hơn để cung cấp các chương trình ETB và xác định các chương trình ngách. Nhiều khả năng tương lai sẽ mang lại những thay đổi cả về định lượng và chất lượng cho các chương trình ETB ở châu Âu, cũng như về tiềm năng sẽ dẫn đến nhiều tranh luận hơn về giá trị của các chương trình đó khi chúng trở thành hiện tượng phổ biến hơn trong bức tranh giáo dục .