Trao đổi sinh viên quốc tế ở Israel

Annette Bamberger là Nghiên cứu sinh tại Viện Giáo dục trường Đại học London, Vương quốc Anh. E-mail: a.bamberger.14@ucl.ac.uk .

Về mặt nghiên cứu, các trường đại học Israel có thứ hạng về tài trợ, công bố và trích dẫn quốc tế rất ấn tượng; tuy nhiên, về mặt tiếp nhận sinh viên quốc tế, Israel thực hiện kém so với mức trung bình 9% trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), sinh viên nước ngoài chỉ chiếm 1,4 % tổng số sinh viên. Điều này gây ra sự quan ngại và thu hút sự quan tâm của Hội đồng Giáo dục Đại học (CHE) – tổ chức điều phối hệ thống giáo dục đại học trung ương của Israel – và cơ quan tài trợ thuộc Hội đồng là Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách (PBC). Trong một kế hoạch dài hạn mới được công bố vào tháng 7 năm 2017, quốc tế hóa được xác định là trọng tâm với mục tiêu tăng gấp đôi số lượng sinh viên quốc tế tới 25 ngàn người trong vòng 5 năm.

Lịch sử phát triển và những vấn đề đương đại

Trước thời Nhà nước Israel, những sinh viên đầu tiên tại các trường đại học Israel chủ yếu đến từ Đông Âu, còn từ những thập niên đầu của Nhà nước, hầu hết sinh viên trong các trường đại học Israel là người bản địa. Do xung đột căng thẳng giữa Israel và Palestine, hầu như không có sinh viên trong khu vực tới học ở Israel. Tuy nhiên, sinh viên quốc tế không bị bỏ qua. Bắt đầu từ năm 1955, các chương trình sinh viên quốc tế đã được xây dựng nhằm tuyển sinh viên Mỹ gốc Do Thái vào học năm đầu/học kỳ đầu ở nước ngoài, đó là kết quả của sự phối hợp giữa các trường đại học, chính phủ và các tổ chức cộng đồng hải ngoại. Ngoài các yếu tố học thuật (chú trọng vào ngôn ngữ Hebrew, các nghiên cứu về Do Thái, Israel, và Trung Đông), các hoạt động văn hóa xã hội, các chuyến du lịch khắp đất nước và giao lưu với người Israel bản địa cũng là một phần không tách rời của những chương trình này. Vì ngôn ngữ giảng dạy trong những chương trình này chủ yếu là tiếng Anh và sinh viên cần được hỗ trợ đặc biệt (về visa, nhà ở, v.v…), các cơ sở hạ tầng riêng biệt từng bước phát triển để phục vụ họ. Mặc dù được mở ra cho tất cả mọi người và sinh viên quốc tế từ những nguồn gốc khác nhau vẫn được hoan nghênh, những chương trình này chủ yếu hướng đến sinh viên người Do Thái, điều này được thể hiện qua chiến lược tiếp thị và tuyển sinh; tài trợ; dịch vụ hỗ trợ và các chương trình giảng dạy chính thức cũng như không chính thức.

Trong thời hiện đại, các cơ sở đào tạo đã mở ra nhiều sản phẩm quốc tế, bao gồm các khóa ngắn hạn, các chương trình mùa hè, các chương trình cấp bằng đại học và. Nhưng sinh viên người Do thái vẫn chiếm đa số trong thành phần sinh viên quốc tế theo đuổi chương trình bằng cấp Cử nhân hoặc Thạc sĩ (không làm luận án). Mặc dù học phí từ những sinh viên này chỉ là nguồn doanh thu không ổn định đối với một số cơ sở đào tạo, nhà nước Istrael, các tổ chức phi lợi nhuận và cộng đồng Do Thái hải ngoại vẫn hỗ trợ tài chính cho sinh viên với mục tiêu thúc đẩy tình đoàn kết, bản sắc Do Thái và mối quan hệ với cộng đồng người Do Thái trên khắp thế giới.

Do xung đột căng thẳng giữa Israel và Palestine, hầu như không có sinh viên trong khu vực tới học ở Israel.

Trong quá khứ, Israel từng thu hút được một số lượng lớn du học sinh từ Mỹ tham gia vào các chương trình này; trong báo cáo Open Doors năm 1996, Israel giữ vị trí thứ 8 trong số những điểm du học được nhiều sinh viên Mỹ lựa chọn, với số sinh viên học tại đây ở thời điểm đó (2621 người) ngang bằng tổng số sinh viên du học đến từ Nam Mỹ (2683). Tuy nhiên, do sự chuyển dịch sinh viên quốc tế tăng lên nhanh chóng, Israel bắt đầu thua kém các điểm đến khác, và năm 2017, Israel ra ngoài bảng xếp hạng với 2435 sinh viên. Sự giảm sút này có nhiều nguyên nhân, bao gồm cả tình hình an ninh bấp bênh. Tuy nhiên, rõ ràng là Israel đã không thể duy trì vị thế cạnh tranh của mình ở Hoa kỳ.

Ngoài việc thu hút sinh viên người Do Thái truyền thống vào học các chương trình quốc tế, Israel cũng duy trì quan hệ hợp tác và trao đổi sinh viên đại học, đặc biệt với các nước có tầm quan trọng chiến lược về kinh tế và chính trị. Bắt đầu từ năm 2008, với việc mở văn phòng Tempus quốc gia (Tempus là chương trình trao đổi sinh viên đại học xuyên châu Âu) và sau đó là sự mở rộng Erasmus+, một luồng sinh viên từ châu Âu đã tràn tới các học xá của Israel; trong giai đoạn 2015 – 2017, chương trình Erasmus+ đã đưa 2471 sinh viên và nhân viên các trường đại học từ Liên minh châu Âu đến Israel. Hơn nữa, kể từ năm 2012, chính phủ đã có những sáng kiến quan trọng để hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc và Ấn Độ – gồm cả việc tài trợ cho các nghiên cứu sinh của Trung Quốc và Ấn Độ (bậc thạc sỹ, tiến sỹ và sau tiến sỹ) – với hợp tác học thuật là nền tảng cho quan hệ đối tác.

CHE xây dựng kế hoạch cho nhiều năm tới dựa trên những mô hình này và đặt mục tiêu thu hút nhiều hơn nữa sinh viên quốc tế thuộc hai loại: 1) Những nghiên cứu sinh xuất sắc, đặc biệt từ Trung Quốc và Ấn Độ và 2) Sinh viên giỏi người Do Thái, đặc biệt là từ Mỹ và Canada. Những tài liệu về chính sách và báo cáo từ CHE tiết lộ động lực đằng sau các chính sách mới này: Israel hy vọng xây dựng quan hệ kinh tế và chính trị chặt chẽ với các quốc gia này, đồng thời củng cố trình độ học thuật và năng lực nghiên cứu phát triển của các cơ sở giáo dục đại học Istrael để cạnh tranh trong “nền kinh tế tri thức toàn cầu”. Một đều dễ nhận thấy là những chính sách mới này không đặt ra mục tiêu xây dựng hòa bình hay tìm hiểu đa văn hóa, bất chấp xung đột vẫn đang diễn ra. Kết quả tổng thể là Israel có chính sách quốc tế hóa bao gồm hai tuyến khác nhau: sinh viên nghiên cứu, đặc biệt là từ những quốc gia mà Israel muốn cải thiện quan hệ kinh tế và chính trị; và sinh viên từ những cộng đồng Do Thái hải ngoại kết nối với nhà nước Israel hiện tại như quê hương của người Do Thái. Điều này được phản ánh trong số liệu thống kê mới nhất của CHE từ năm 2016, nó cho thấy về tổng thể, ở Israel số lượng sinh viên người Do Thái (5370) đông hơn sinh viên không phải người Do Thái (4700), và có sự phân chia rõ ràng giữa tuyến nghiên cứu và không nghiên cứu. Hầu hết các nghiên cứu sinh (bậc thạc sỹ có làm luận án, tiến sỹ và sau tiến sỹ) không phải là người Do Thái, còn sinh viên người Do Thái chủ yếu theo hướng không nghiên cứu (trao đổi quốc tế, cử nhân, thạc sĩ không làm luận án).

Thách thức

Trong kế hoạch hiện tại, một số vấn đề chưa được quan tâm đầy đủ, chẳng hạn như cơ sở hạ tầng lịch sử cho sinh viên quốc tế và những thách thức tiềm tàng của việc thu hút và hỗ trợ các đối tượng sinh viên khác nhau, và có rất ít hướng dẫn về việc nên quản lý hai nhóm đó như thế nào. Hai nhóm đối tượng mục tiêu – với những chuẩn mực và sự kết nối với đất nước về mặt cá nhân, dân tộc, và tôn giáo khác nhau – sẽ đặt ra nhiều thách thức với những trường đại học Israel đang cố gắng thu hút, tiếp nhận và hỗ trợ cả hai nhóm. Có bằng chứng cho thấy một số trường đại học đang tập trung vào một nhóm đối tượng để phù hợp với sứ mệnh của trường. Theo một báo cáo từ CHE vào năm 2016, Viện Khoa học Weizmann – một tổ chức nghiên cứu – có tỷ lệ sinh viên Do Thái thấp nhất, trong khi IDC Herzliya – chuyên đào tạo cử nhân và giảng dạy các chương trình thạc sĩ – có tỷ lệ sinh viên Do Thái cao nhất. Những đại học muốn thu hút số lượng lớn sinh viên ở cả hai nhóm đều có thể phải đối mặt với những thách thức lớn nhất trong việc phát triển chiến lược quốc tế hóa toàn diện. Liệu kế hoạch mới về sinh viên quốc tế có thể thành công không? Có phân chia sinh viên quốc tế thành hai nhóm “nghiên cứu” và “không nghiên cứu” không? Nếu vẫn tiếp tục phân biệt, phải chăng Israel đang bỏ lỡ một cơ hội kết nối và thay đổi hình ảnh giáo dục đại học quốc tế của họ?