Quốc tế hóa không theo cách của cha mẹ: Quan điểm của thế hệ kế tiếp

Laura E. Rumbley là Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế, Boston College, Hoa Kỳ. E-mail: rumbley@bc.edu. Douglas Proctor là Giám đốc Bộ phận Quan hệ Quốc tế tại University College Dublin, Ireland. E-mail: douecraft.proctor@ucd.ie.

Quốc tế hóa giáo dục đại học thường được coi là một hiện tượng “non trẻ”, chỉ như một lĩnh vực nghiên cứu, một mảng thực tiễn chuyên môn và một hướng chiến lược của các tổ chức giáo dục đại học. Mặc dù vậy, cho đến nay chúng ta đã có được một khối lượng lớn tài liệu về chủ đề này, và một lực lượng chuyên gia được công nhận, có các công trình nghiên cứu định hình lĩnh vực này theo những cách sâu sắc và lâu dài. Các “nhà sáng lập” đương đại của ngành nghiên cứu quốc tế hóa nổi tiếng nhờ đã đóng góp vào việc đề xuất và xác định các thuật ngữ chính, đưa ra các khung khái niệm, định hình các cuộc tranh luận, thu hút sự chú ý của nhiều bên liên quan và kết nối lý thuyết với chính sách và thực tiễn.

Sự phát triển về mặt tri thức của quốc tế hóa diễn ra song song với sự phát triển trên toàn thế giới của một cộng đồng các tổ chức chuyên phục vụ giáo dục quốc tế thông qua các chương trình phát triển tri thức và/ hoặc đào tạo chuyên nghiệp cho những người làm việc trong lĩnh vực này. Một số tổ chức này đã có tuổi đời hàng thập kỷ, bao gồm Viện Giáo dục Quốc tế tại Hoa Kỳ sẽ tròn 100 tuổi vào năm 2019; Tổ chức Dịch vụ Trao đổi Học thuật Đức (DAAD) được thành lập vào năm 1925; NAFSA: Hiệp hội Các nhà giáo dục Quốc tế được thành lập tại Hoa Kỳ vào năm 1948; và Hiệp hội Giáo dục Quốc tế châu Âu có trụ sở tại Hà Lan thành lập từ năm 1989. Các tổ chức này cùng rất nhiều tổ chức và hiệp hội liên quan hoạt động ở cấp quốc gia, (tiểu) vùng và (liên) lục địa trên khắp thế giới – đã thiết lập bối cảnh cho phần lớn đối thoại và chương trình hành động kết nối giáo dục quốc tế trên toàn cầu. Thật vậy, các học giả sáng lập và các tổ chức trong giáo dục quốc tế có vai trò ảnh hưởng to lớn trong việc xác định cách thức chúng ta hiểu và thực hiện quốc tế hóa trong giáo dục đại học trên toàn thế giới.

Khi chúng ta nhìn nhận rằng quá khứ để lại cả những lợi ích và gánh nặng, đồng thời suy ngẫm về việc chúng ta bắt đầu từ đâu và sẽ đi đến đâu vào cuối thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21, những câu hỏi quan trọng xuất hiện: Quan điểm của “thế hệ tiếp theo” về quốc tế hóa giáo dục đại học sẽ dẫn dắt chúng ta đến tương lai như thế nào và theo những con đường nào? Vì sao việc đổi mới – cả nguồn thông tin và nội dung thông tin – đều quan trọng? Theo quan điểm của chúng tôi, bối cảnh giáo dục đại học toàn cầu ngày càng phức tạp, sự phát triển nhanh chóng của các động lực quốc tế hóa, và sự quan tâm nhiều đến chất lượng trong giáo dục đại học và phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh toàn cầu, đã khiến cho việc tập trung đối thoại về quốc tế hóa qua các phương thức mới, bối cảnh mới và chủ đề mới trở nên quan trọng. Xem xét những vấn đề này thông qua tập hợp các tiếng nói mới từ khắp nơi trên thế giới cũng rất quan trọng, nếu chúng ta nghiêm túc trong việc tìm hiểu và đáp ứng các khả năng và thách thức đang còn ở phía trước.

Phương thức mới, chủ đề mới, bối cảnh mới

Việc thăm dò các nguồn dữ liệu khác nhau trước đây đã cho chúng ta thấy dấu hiệu rõ ràng rằng, nghiên cứu về giáo dục đại học tập trung quá nhiều ở một số ít trung tâm nghiên cứu ở một số quốc gia (thường là giàu có và nói tiếng Anh). Hơn nữa, kết quả nghiên cứu cụ thể về quốc tế hóa trong giáo dục đại học cũng tạo thành các nhóm tương tự, bắt nguồn chủ yếu từ Úc, châu Âu và Bắc Mỹ. Một số chủ đề được đề cập rất nhiều trong những nghiên cứu mà chúng ta đang có, từ kinh nghiệm du học Mỹ đến quá trình thích ứng của sinh viên quốc tế, đến phân tích các tình huống của một chương trình hay một tổ chức cụ thể. Theo đúng nghĩa đen, một thế giới đa chiều liên quan đến hiện tượng quốc tế hóa đang được nghiên cứu rất ít hoặc hoàn toàn bị bỏ qua.

Để khắc phục tình trạng này, các bên liên quan cần cam kết khám phá các phương thức mới, chủ đề mới và bối cảnh mới về quốc tế hóa. Các bên liên quan bao gồm các chính phủ và các cơ quan chính sách đặt ra phạm vi nghiên cứu và tài trợ cho nghiên cứu; các nhà nghiên cứu kinh nghiệm có khả năng tự quyết định chương trình nghị sự cá nhân dành cho công việc nghiên cứu liên tục trong tương lai, và có ảnh hưởng đến các đồng nghiệp trong mạng lưới của họ, cũng như các học viên sau đại học và các học giả trẻ đang thực hiện các nghiên cứu sơ khởi, các dự án giai đoạn đầu của nghiên cứu sau tiến sỹ và các cố vấn hướng dẫn các cá nhân đó trong giai đoạn đầu sự nghiệp của họ.

Chính vì thế giới mà chúng ta đang sống vô cùng phức tạp và năng động, các chủ đề quốc tế hóa mới nảy sinh hàng ngày sẽ làm giàu thêm cơ sở tri thức tập thể của chúng ta.

Bối cảnh mới: Câu hỏi “Ở đâu”

Quốc tế hóa rõ ràng là một hiện tượng toàn thế giới, hiện tại phần lớn các nghiên cứu vẫn đang được thực hiện và được quan tâm nhiều bởi các nước lớn nói tiếng Anh ở phía bắc bán cầu. Do đó, bối cảnh mới cho quốc tế hóa bao gồm các quốc gia và khu vực trên thế giới, các loại hình tổ chức, và các bối cảnh khác, những nơi mà cho đến nay nghiên cứu còn rất hạn chế. Những ví dụ quen thuộc về các nghiên cứu liên quan đến bối cảnh mới bao gồm nghiên cứu tập trung vào các vị trí địa lý xa xôi và/hoặc các cộng đồng bị thiệt thòi (ví dụ, những cộng đồng sử dụng loại ngôn ngữ ít phổ biến, những cộng đồng đang trong tình trạng thiếu an ninh hoặc bị cô lập văn hóa), hoặc trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế cực độ hoặc thiếu thốn. Chúng ta thực sự biết gì về quốc tế hóa giáo dục đại học ở những vùng biên giới đang có tranh chấp, những vùng đang diễn ra các phong trào bản địa, những khu vực khí hậu khắc nghiệt, hoặc những vùng sâu vùng xa? Chúng ta biết có một số nhà nghiên cứu trẻ đang đào sâu vào những chủ đề này, và họ cần được khuyến khích nhiều hơn.

Chủ đề mới: Câu hỏi “Nghiên cứu gì”

Chính vì thế giới mà chúng ta đang sống vô cùng phức tạp và năng động, các chủ đề quốc tế hóa mới nảy sinh hàng ngày sẽ làm giàu thêm cơ sở tri thức tập thể của chúng ta. Chúng tôi phấn khích khi nhận thấy một bộ phận các nhà nghiên cứu trẻ ngay từ đầu sự nghiệp đã bắt tay vào tìm hiểu cách thức quá trình quốc tế hóa giáo dục đại học đang phục vụ số lượng ngày càng tăng những cá nhân bị lâm vào tình cảnh di cư bắt buộc trên khắp thế giới. Những nhà nghiên cứu khác đang giúp chúng ta tìm hiểu những nỗ lực quốc tế hóa của các tổ chức giáo dục tiểu học và trung học trong các bối cảnh khác nhau, và phản ánh những hiện tượng giao thoa giữa quốc tế hóa với sự hình thành bản sắc cá nhân, bản sắc dân tộc, và sự tham gia vào quá trình quốc tế hóa của các khu vực khác nhau trên thế giới. Và còn những nhà nghiên cứu khác đang khám phá những cách thức thúc đẩy quốc tế hóa trong việc tiếp cận đào tạo các học giả tương lai, hoặc thúc đẩy công việc tại các khoa, các viện giáo dục trưc thuộc trường đại học, bên cạnh những chủ đề khác. Tập trung nghiên cứu vào các chủ đề quốc tế hóa mới là rất cấp thiết, và việc khám phá rộng hơn bối cảnh xung quanh chúng ta đòi hỏi sự chú ý và hỗ trợ lâu dài.

Phương thức mới: Câu hỏi “Như thế nào”

Các phương pháp nghiên cứu quốc tế hóa mới đã thúc đẩy chúng ta tập trung cân nhắc những cách thức phát triển cơ sở tri thức trong lĩnh vực này. Công trình của một số nhà nghiên cứu trẻ mới bắt đầu sự nghiệp mà chúng ta đã quen thuộc, cung cấp cho chúng ta cái nhìn sâu sắc trong nhiều chủ đề, từ khả năng khai thác các bộ dữ liệu hiện có để hiểu sâu hơn về lựa chọn của sinh viên du học quốc tế và những yếu tố khiến họ hài lòng; đến tiềm năng mô hình hóa các chủ đề để hiểu được một loạt chính sách và sáng kiến của chính phủ tập trung vào quốc tế hóa trong bối cảnh các quốc gia khác nhau; đến những cân nhắc mang tính triết học và lịch sử về cội nguồn Tin Lành như nền tảng cơ sở cho lý thuyết phương Tây về quốc tế hóa. Từ nghiên cứu các quá trình sinh học đến nghiên cứu định tính đều có thể được sử dụng như những phương pháp khám phá hiện tượng quốc tế hóa theo một loạt các hướng đi hấp dẫn, mà theo thời gian sẽ đưa ra những hiểu biết sâu sắc.

Sức mạnh ở thế hệ kế tiếp

Tương lai không chắc chắn của quốc tế hóa mang lại cả cơ hội và thách thức cho thế hệ tiếp theo các học giả và các nhà nghiên cứu thực tiễn, những người cam kết đảm bảo vai trò quan trọng của hợp tác quốc tế và học tập toàn cầu trong việc thúc đẩy giáo dục chất lượng cao và sự công bằng, phát triển tri thức và nền tảng xã hội trong những thập kỷ tới. Thế hệ kế tiếp các chuyên gia về quốc tế hóa có nhiều tiềm năng đạt được những mục tiêu này, khi họ xây dựng công việc theo cách sáng tạo và năng động dựa trên những gì thế hệ trước đã đạt được.