Hợp tác giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong giáo dục đại học: Yếu tố ổn định quan trọng

Gerard A. Postiglione là Giáo sư danh dự và Điều phối viên của Hiệp hội Nghiên cứu Giáo dục đại học ở châu Á, Đại học Hồng Kông. E-mail: gerry.hku@gmail. Denis Simon là Phó Hiệu trưởng điều hành của Đại học Duke Kunshan, Trung Quốc, và là Giáo sư về Kinh doanh và Công nghệ Trung Quốc tại Trường Kinh doanh Fuqua tại Đại học Duke, Durham, Hoa Kỳ. E-mail: denis.simon@duke.edu.

Khi Hoa Kỳ và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ vào cuối những năm 1970, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã rất quyết tâm trong việc Trung Quốc nên có “một ngàn nhà khoa học tài năng”, những người sẽ được công nhận trên toàn thế giới. Bằng cách “công bố sự cần thiết phải có các nhà khoa học và kỹ sư có trình độ cao hơn”, ông Đặng muốn nhanh chóng gửi hàng trăm người Trung Quốc đến học tại các trường đại học hàng đầu của Mỹ. Trong 40 năm qua, quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc phát triển thuận lợi, bất chấp những căng thẳng trong các vấn đề kinh tế, chính trị và quân sự đôi khi vẫn xảy ra. Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và tài chính tăng lên nhờ nghệ thuật lãnh đạo đất nước hài hòa của các nhà lãnh đạo hai bên đã đảm bảo rằng sự bình tĩnh sáng suốt luôn thắng thế trong những giai đoạn căng thẳng, và do đó, quan hệ hợp tác trong một loạt các lĩnh vực dường như vẫn tiếp tục mở rộng trong nhiều thập kỷ qua.

Cắt giảm hàng ngàn người từ chương trình Ngàn Tài năng

Thật không may, những ngày tương đối ổn định và dự đoán được có thể kết thúc đột ngột vì cuộc chiến thương mại do Trump khởi xướng, cuộc chiến khiến Jack Ma của Alibaba nhận xét “nếu không may có thể kéo dài trong 20 năm”. Và đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy lần đầu tiên sau bốn thập kỷ, giáo dục đại học Trung Quốc có thể đang trải qua một cú sốc nghiêm trọng. Ngay cả những nhà quan sát lạc quan nhất cũng phải thừa nhận rằng chúng ta đã bước vào một “thời kỳ khó khăn”. Chương trình Ngàn tài năng (TTP) của Trung Quốc, mang trở lại Trung Quốc khoảng 7000 nhà khoa học và nhà nghiên cứu cấp cao trong hơn 10 năm của chương trình – phần lớn từ Hoa Kỳ – có thể là mục tiêu đầu tiên. Chương trình chiến lược đó được Hội đồng Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ xem như một công cụ tiềm năng để chuyển giao những công nghệ nhạy cảm từ Hoa Kỳ sang Trung Quốc. Trung Quốc xem đây là một nỗ lực của Mỹ nhằm kìm hãm sự trỗi dậy của quốc gia này, đặc biệt là trong phát triển khoa học và công nghệ, kinh doanh và sản xuất. Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm đến một chương trình của Trung Quốc có tên gọi “Made in China 2025”, nhằm mục đích đưa Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (PRC) nhanh chóng gia nhập các nước hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ. Chương trình nổi tiếng “60 minutes” của trang tin tức US News tại Hoa Kỳ đã tiết lộ các cuộc điều tra chủ động về các học giả Trung Quốc tại Hoa Kỳ, và điều này có thể dẫn đến những tác hại vĩnh viễn đối với sự nghiệp khoa học của họ. Các trường đại học Hoa Kỳ có thể không sa thải các học giả của chương trình TTP, nhưng có thể ảnh hưởng đến tài trợ liên bang của nhiều trường đại học Mỹ. Trung Quốc khẳng định rằng TTP có ý định chiêu mộ các nhà khoa học tầm cỡ thế giới, không phải nhắm đến các bí quyết công nghiệp quan trọng của Mỹ.

Nhiều học giả Trung Quốc có thể sẽ được thuyết phục đầu quân cho các trường đại học châu Âu thay vì Hoa Kỳ.

Sau nhiều thập kỷ thiện chí trong trao đổi học thuật giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, chính quyền Trump dường như khá nôn nóng dội một gáo nước lạnh vào toàn bộ mạng lưới các mối quan hệ hợp tác. Vào tháng 5, chính quyền Trump tuyên bố rằng thị thực cấp cho sinh viên tốt nghiệp người Trung Quốc đang học trong các lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), đặc biệt là những ngành robot, hàng không và sản xuất công nghệ cao, sẽ chỉ có thời hạn một năm. Nhiều học giả Trung Quốc tại Hoa Kỳ bắt đầu cảm thấy mình đang bị nghi ngờ. Thái độ này cũng đang gia tăng đối với các công dân Mỹ gốc Hoa nói chung, theo Chi Wang, cựu chủ tịch của Mảng tài liệu về Trung quốc của Thư viện Quốc hội, người đã làm việc cho chính phủ Hoa Kỳ trong 50 năm.

Phần thưởng cho Úc, Canada, Liên minh châu Âu, Israel và Nga

Nhiều học giả Trung Quốc có thể sẽ được thuyết phục đầu quân cho các trường đại học châu Âu thay vì Hoa Kỳ. Việc Hoa Kỳ rút khỏi một số hiệp định đa phương, bao gồm các hiệp định thương mại ở châu Á, đã tạo ra một khoảng trống trong lúc Trung Quốc trở nên hướng ngoại hơn khi hợp tác với hơn 60 quốc gia trong “Sáng kiến Vành đai và Con đường”. Rõ ràng là Trung Quốc luôn sẵn sàng tận dụng khoảng trống mà Hoa Kỳ tạo ra. Cái gọi là thế giới “hậu Hoa Kỳ” có thể sẽ mở ra những cơ hội mới để châu Âu mở rộng hợp tác với Trung Quốc trong giáo dục đại học và nghiên cứu.

Mối lo ngại thực sự là cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Bắc Kinh và Washington có thể làm chậm quá trình trao đổi và hợp tác học thuật giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ – đúng vào giai đoạn mà tiến bộ khoa học và công nghệ của Trung Quốc đang cung cấp ngày càng nhiều dịch vụ hơn cho các đối tác Mỹ. Mặc dù sự chậm lại đó có thể ảnh hưởng đến tham vọng khoa học và công nghệ của Trung Quốc khi nước này nỗ lực chuyển đổi từ nền kinh tế sản xuất sang nền kinh tế đổi mới sáng tạo, người Trung Quốc có thể sẽ tìm kiếm các đối tác hợp tác mới như Israel và Nga cũng như Liên minh châu Âu, Canada và Úc. Trong khi các hành động của Hoa Kỳ có thể làm tăng sự lo lắng của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, chúng ta cần nhớ rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc có sự kiên nhẫn và quyết tâm mạnh mẽ; họ sẽ thích nghi và tìm cách tăng cường quan hệ đối tác đại học bên ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ. Chính sách đối địch đối với sinh viên và học giả Trung Quốc của chính phủ Hoa Kỳ có thể là chiến lược bầu cử khá tốt cho chính quyền Trump, nhưng lại bỏ qua thực tế rằng giải pháp cho hầu hết các vấn đề lớn trên toàn cầu vẫn đòi hỏi một số hình thức tư vấn cũng như hợp tác chặt chẽ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Đánh giá lại khả năng phục hồi và hợp tác bền vững

May mắn thay, hầu hết các cơ sở đại học Mỹ tại Trung Quốc không gặp phải khó khăn nghiêm trọng. Một ngoại lệ là mối quan hệ giữa Đại học Cornell và Đại học Renmin trong lĩnh vực quan hệ lao động và công nghiệp; Đại học Cornell rõ ràng đã quyết định rút khỏi mối quan hệ đó vì những vấn đề liên quan đến tự do học thuật. Một Diễn đàn gần đây ở Bắc Kinh do Hiệp hội Giáo dục Trung Quốc về trao đổi quốc tế và Đại học Duke Kunshan đồng tài trợ, cũng đã công nhận rằng sự hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực giáo dục đại học bên trong Trung Quốc vẫn khá ổn định và tiếp tục phát triển. Bằng cấp của các trường đại học lớn của Mỹ tại Trung Quốc vẫn được công nhận tại Hoa Kỳ. Nếu tự do học thuật trong các cơ sở này bị hạn chế nghiêm trọng, các cơ sở đại học Mỹ ở Trung Quốc có thể mất quyền cấp bằng tương đương với bằng cấp của các cơ sở chính tại Hoa Kỳ. Điều này sẽ làm suy yếu nền tảng của hầu hết các liên doanh giáo dục hợp tác.

Vào ngày 27 tháng 9 năm 2017, tại Diễn đàn Hiệu trưởng các trường Đại học Hoa Kỳ – Trung Quốc được tổ chức tại Đại học Columbia, Ông Henry Kissinger, kiến trúc sư bình thường hóa quan hệ giữa Hoa Kỳ – Trung Quốc năm 1979, nói rằng sự thay thế duy nhất cho mối quan hệ tích cực giữa Washington và Bắc Kinh là rối loạn toàn cầu. Trong cuộc họp đó, Phó Thủ tướng Trung Quốc khi đó là bà Lưu Diên Đông, nói rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ nên tăng cường trao đổi nhân sự để xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn trong những lĩnh vực mà hai nước có ít bất đồng và nhiều sự đồng thuận nhất. Cuộc cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tại bảng xếp hạng hàng năm các trường đại học quốc tế có thể trở nên khốc liệt hơn khi các trường đại học của Trung Quốc cố gắng đạt được vị thế đẳng cấp thế giới, nhưng điều đó kém quan trọng hơn rất nhiều so với ý nghĩa của quan hệ đại học song phương mạnh mẽ trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu và duy trì ổn định địa chính trị. Trước thời Trump, mối quan hệ của Trung Quốc – Hoa Kỳ rõ ràng là mềm dẻo và năng động hơn. Hai nước có thể thực hiện các cuộc đối thoại chiến lược và hướng tới các vấn đề quan trọng vì lợi ích chung. Hiện tại, các trường đại học ở cả hai nước đều không thể loại bỏ những căng thẳng và sự đối đầu thương mại đang là mối quan tâm chính của chính quyền Trump và Tập Cận Bình, nhưng vẫn còn rất nhiều điều các trường có thể thực hiện để giữ mối quan hệ giữa hai nước ổn định, bởi mối quan hệ này sẽ tự tái cấu trúc để phản ánh tốt hơn thực tế chính trị và kinh tế hiện tại. Các sinh viên từ cả hai nước cuối cùng sẽ trở thành những nhà lãnh đạo tương lai trong chính phủ, doanh nghiệp và viện trường; hy vọng rằng, sự hiểu biết lẫn nhau nhiều hơn được phát triển thông qua học tập hợp tác và trao đổi đa văn hóa sẽ giúp làm dịu đi một số ngờ vực hiện tại và mở đường cho những cuộc đối thoại hợp lý và cân bằng hơn trong những năm tới.