Tư duy phê phán và hệ tư tưởng trong giáo dục đại học Trung Quốc

Du Xiaoxin là Nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ tại Viện nghiên cứu Chính sách Giáo dục Quốc gia, Đại học Sư phạm Đông Trung Quốc, Thượng Hải, Trung Quốc. E-mail: [email protected]

Một số người cho rằng các trường đại học ở Trung Quốc thiếu tự do học thuật, vì bị Đảng – Nhà nước kiểm soát chặt chẽ về mặt chính trị bằng nhiều cách khác nhau. Ví dụ, các môn giáo dục chính trị chiếm 10% tổng số tín chỉ trong chương trình đại học; cán bộ – giảng viên đại học phải thận trọng khi phát biểu; một số sự kiện lịch sử bị cấm đề cập đến hay thảo luận. Tuy nhiên, những điều này và các cơ chế xã hội hóa chính trị khác vẫn không loại bỏ được hoàn toàn những nỗ lực tìm kiếm tự do học thuật. Với mong muốn cải thiện danh tiếng toàn cầu của giáo dục đại học Trung Quốc, nhà nước khuyến khích các trường đại học đổi mới và thúc đẩy tư duy phản biện, kỳ vọng các trường đại học Trung Quốc sẽ đạt được đẳng cấp thế giới. Tuy nhiên, điều này có thể đi ngược lại những tư tưởng chính trị mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) đã truyền bá xuyên suốt hệ thống giáo dục đại học Trung Quốc. Đại học Fudan (FDU) ở Thượng Hải là trường đại học hàng đầu có lịch sử lâu đời theo đuổi mục tiêu học thuật xuất sắc và tự chủ đại học. Vì thế đây là một ví dụ lý tưởng/điển hình minh họa cho tình trạng các trường đại học bị giằng co giữa nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ học thuật. Bài viết này dựa trên nghiên cứu thực địa năm 2014 của tác giả, sử dụng phương pháp thu thập dữ liệu hỗn hợp kết hợp với bảng câu hỏi, quan sát, phỏng vấn, và nghiên cứu tài liệu.

Những kỳ vọng khác nhau

Tình trạng căng thẳng bắt nguồn từ việc nhà nước, nhà trường và sinh viên có những kỳ vọng rất khác nhau đối với lực lượng giảng viên.

Nhà nước mong muốn FDU – và tất cả các trường đại học của Trung Quốc – được công nhận xuất sắc trên toàn cầu về mặt học thuật, đồng thời, như một thực thể chịu sự giám sát của nhà nước, vẫn đáng tin cậy về chính trị và không ngừng phục vụ nhu cầu phát triển của Trung Quốc. Mục tiêu giáo dục sinh viên đại học được thể hiện rõ trong khẩu hiệu “Vừa hồng vừa chuyên” có từ những năm 1950. Nói cách khác, nhà nước kỳ vọng sinh viên khao khát trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của họ, đồng thời là người kế thừa và xây dựng chủ nghĩa xã hội Trung Quốc.

Nhằm đáp ứng những kỳ vọng của nhà nước, FDU tập huấn để giảng viên không đưa các nội dung chính trị nhạy cảm vào lớp học, tránh gây ra những bất đồng với Cục An ninh Quốc gia (là cơ quan có nhiệm vụ giám sát nội dung giảng dạy thông qua quan sát gián tiếp từ bên ngoài) cũng như với phòng Công chúng và An ninh của nhà trường (giám sát an ninh nội bộ). Tuy nhiên, các bài phát biểu gần đây của Chủ tịch FDU  liên quan đến việc các trường đại học có trách nhiệm tìm kiếm chân lý, độc lập về học thuật, và bảo đảm tự do tư tưởng cho cán bộ và giảng viên – cho thấy các trường đại học mong đợi có một mức độ tự chủ học thuật nhất định. Điều này có vẻ như mâu thuẫn với những nỗ lực của nhà nước nhằm áp đặt sự kiểm soát chính trị, đặc biệt là khi FDU không sa thải hoặc không nghiêm khắc trừng phạt những giảng viên đã đề cập đến các chủ đề nhạy cảm chính trị trong lớp.

Tư duy phản biện được khuyến khích, kể cả trong các khóa học giáo dục chính trị (PEC).

Nghiên cứu cho thấy sinh viên FDU có những cách nhìn khác nhau. Đối với một số người, giáo dục chính trị là một phần cần thiết của giáo dục đại học, số khác xem đó là trở ngại đối với tự do học thuật. Nhìn chung, sinh viên đều mong đợi giảng viên thúc đẩy tư duy phản biện trong lớp.

Giảng viên thực thi xã hội hóa chính trị

Giảng viên FDU phải tự kiểm duyệt bằng cách thừa nhận và tuân thủ những nguyên tắc chính trị cơ bản của Đảng Cộng sản, và như vậy trở thành người thực thi xã hội hóa chính trị. Kinh nghiệm giảng dạy trong trường đại học cho phép họ nhận biết những chủ đề chính trị và sự kiện lịch sử nào nên hoặc không nên thảo luận trong lớp – điều này giúp họ xác định những nguyên tắc tự kiểm duyệt trong giảng dạy.

Nguyên tắc cốt lõi ở đây là thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản (CPC) ở Trung Quốc; mọi chủ đề đưa ra thảo luận trong lớp học tốt nhất không nên thách thức tính hợp pháp của CPC. Ngoài ra, đề cập đến các sự kiện có ảnh hưởng không tốt đến CPC, như Sự cố Thiên An Môn 1989 bị nghiêm cấm, hoặc ít nhất là bị hạn chế nghiêm ngặt. Hiểu rõ những nguyên tắc này, giảng viên đại học tự hình thành những chiến lược tự kiểm duyệt, cho phép họ âm thầm thực hiện quyền tự chủ học thuật, mà vẫn không vi phạm những tư tưởng chính trị chính thống.

Một chiến lược tự kiểm duyệt là thay thế những từ nhạy cảm chính trị bằng các phép ẩn dụ (ví dụ, dùng từ “sự cố” thay cho “cuộc nổi dậy”) hoặc sử dụng các sự kiện ở nơi khác trên thế giới như những câu chuyện ngụ ngôn tinh tế về các vấn đề chính trị ở Trung Quốc. Chiến lược thứ hai của giảng viên là tránh bày tỏ quan điểm về các vấn đề chính trị của Trung Quốc trong lớp học; ví dụ, họ có thể phác thảo hệ thống chính trị Trung Quốc, nhưng không công khai chính kiến. Chiến lược thứ ba của giảng viên là thỏa hiệp quan điểm chính trị cá nhân trong các bài nghiên cứu nhằm tránh xúc phạm đảng/nhà nước và để đảm bảo nghiên cứu của họ được công bố, ví dụ, đặt các phê bình của họ trong bối cảnh các giai đoạn lịch sử trước, để tránh xúc phạm chế độ hiện tại.

Giảng viên tranh đấu cho tự do học thuật

Mặc dù luôn ý thức để không vượt qua những ranh giới cấm kị, giảng viên FDU vẫn theo đuổi tự do học thuật bằng cách khuyến khích sinh viên tư duy phê phán. Chẳng hạn họ thảo luận về các giá trị phương Tây trong lớp học, nói về những ưu điểm của hệ thống chính trị và giá trị xã hội phương Tây, mặc dù điều đó không được Bộ Giáo dục Trung Quốc khuyến khích. Ngoài ra, giảng viên FDU đôi khi nêu ra những nội dung thách thức tính hợp pháp của CPC, sử dụng những kỹ thuật khác nhau để không xâm phạm những vùng cấm kị, ví dụ như sử dụng phép ẩn dụ mỉa mai hoặc thể hiện sự bất đồng với chính sách hoặc ý thức hệ của CPC thông qua biểu cảm bằng nét mặt. Giảng viên FDU cũng thực hiện việc đánh giá học thuật bằng cách lựa chọn tài liệu giảng dạy, chẳng hạn như từ chối sử dụng sách giáo khoa được phê duyệt chính thức.

Tư duy phản biện được khuyến khích, kể cả trong các khóa học giáo dục chính trị (PEC). Một số giảng viên PEC thậm chí coi thực tiễn là một hình thức tẩy não ngược, vì nó giúp sinh viên hiểu được tầm quan trọng của các quan điểm cân bằng và cho phép họ đóng góp các ý tưởng trái chiều. Một số giảng viên FDU khuyến khích sinh viên tìm kiếm các nguồn thông tin không chính thức trái chiều, để có thể thảo luận về các vấn đề học thuật với một tâm thế cởi mở hơn. Giảng viên cũng thúc đẩy thảo luận và tranh luận trong lớp để kích thích tư duy phản biện.

Hiện tượng giảng viên sắm nhiều vai

Hiện tượng giảng viên sắm nhiều vai là kết quả phát sinh từ việc họ phải đáp ứng những kỳ vọng khác nhau từ nhiều bên: nhà nước, nhà trường và sinh viên, và là một chiến lược để bảo vệ tự do học thuật trong hệ thống giáo dục đại học bị giới hạn về chính trị của Trung Quốc. Trong quá trình tương tác, giảng viên đảm nhận các vai trò khác nhau với các trách nhiệm khác nhau, áp dụng các chiến lược khác nhau và thể hiện các hành vi khác nhau, thậm chí tương phản trong các tình huống khác nhau. Đôi khi, họ ngoan ngoãn tuân thủ các nguyên tắc cấm kỵ và làm việc trong phạm vi ranh giới do nhà nước đặt ra, đặc biệt khi liên quan đến các vấn đề chính trị. Những lúc khác, họ thách thức những chuẩn mực đó bằng cách cố gắng mở rộng phạm vi tự do học thuật sang các lĩnh vực nhạy cảm chính trị. Những điều này tạo nên một mô hình giáo dục đại học độc đáo.

Dựa trên những hiểu biết về giáo dục đại học Trung Quốc, nghiên cứu cho thấy giảng viên có thể nới lỏng được ranh giới kiểm soát chính trị thông qua chiến lược sắm nhiều vai, đó là một cách để giảm nhẹ tình trạng căng thẳng giữa kiểm soát chính trị và tự do học thuật và cho phép đưa những quan điểm thay thế vào các chương trình giáo dục đại học.