Khu vực hóa giáo dục đại học ở Đông Á

Edward W. Choi là nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ tại Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế tại Boston College, Hòa kỳ. E-mail: [email protected].

Ba tổ chức quan trọng có vai trò thúc đẩy hợp tác giáo dục đại học ở khu vực Đông Á là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Tổ chức các Bộ trưởng Đông Nam Á (SEAMEO), và một tổ chức ba bên mới hình thành gần đây giữa chính phủ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Mặc dù đã có lịch sử hợp tác với nhau, một phần do mong muốn tạo ra một không gian giáo dục chung ở Đông Á, các quốc gia trong khu vực đang thực hiện các kế hoạch khu vực hóa dựa trên nhu cầu, mục tiêu, thời gian biểu và phong tục khác nhau. Điều này dẫn đến tình trạng chắp vá trong quá trình khu vực hóa giáo dục đại học tại Đông Á. Khi xem xét hiện tượng này, một số câu hỏi xuất hiện. Vì sao có quá nhiều kế hoạch khu vực hóa ở Đông Á? Nếu một vài quốc gia cùng lúc là thành viên của nhiều tổ chức trong khu vực, liệu có thể xảy ra hiện tượng một số kế hoạch khu vực được ưu tiên hơn các kế hoạch khác hay không? Nếu có, thì liệu điều này có tác động tiêu cực đến các chương trình khu vực hóa Đông Á, cả những sáng kiến riêng rẽ, và rộng hơn, các kế hoạch hướng đến một không gian giáo dục đại học chung ở Đông Á?

ASEAN và Mạng lưới các trường đại học ASEAN

Ban đầu (khoảng những năm 1967-1989), ASEAN thúc đẩy những quan hệ hợp tác song phương trong vấn đề ổn định chính trị và an ninh. Do đó, các thành viên sáng lập – Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan – tập trung vào sứ mệnh ngăn chặn phong trào cộng sản ở Đông Dương và xây dựng hợp tác quốc gia, đặc biệt trong những năm sau khi các phong trào giành độc lập thành công trong khu vực. Tuy nhiên, các sự kiện của những năm 1990, đặc biệt là cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, đã thúc đẩy thay đổi mục tiêu khi một làn sóng những thảo luận chính trị về hội nhập kinh tế tràn sang khu vực. Cuộc khủng hoảng tài chính nhấn mạnh sự cần thiết hợp tác không chỉ giữa các nước thành viên ASEAN, mà còn với các quốc gia bị ảnh hưởng khác là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc để tìm ra giải pháp ngăn chặn suy thoái kinh tế tàn phá khu vực trong tương lai. Nhóm các quốc gia này được gọi là ASEAN+3.

Trong suốt quá trình phát triển của ASEAN, từ một nhóm các nước Đông Nam Á độc quyền, tới cấu trúc ASEAN+3, và sau đó là ASEAN+6 (với việc bổ sung Australia, Ấn Độ và New Zealand) đối thoại về chính sách hợp tác giáo dục đại học trong khu vực diễn ra chậm chạp. Đối thoại bắt đầu bằng hai cuộc họp của Uỷ ban Giáo dục ASEAN vào những năm 1970; cả hai cuộc họp này đều thúc đẩy giáo dục đại học, đặc biệt tiềm năng lao động của sinh viên tốt nghiệp đại học, như động cơ chính đẩy mạnh sự thịnh vượng kinh tế. Các cuộc họp cũng đưa ra lý lẽ ủng hộ hình thành một hệ thống quốc tế nhằm bảo đảm sinh viên đạt được trình độ và năng lực cao. Kết quả là sự ra đời một nhóm nhỏ được gọi là Mạng lưới Đại học ASEAN (AUN), được hỗ trợ bởi Hệ thống đảm bảo chất lượng Mạng lưới Đại học ASEAN (AUN-QA) và Hệ thống Chuyển đổi Tín chỉ ASEAN (ACTS), tạo thuận lợi cho việc trao đổi giảng viên, nhân viên và sinh viên giữa 30 tổ chức thành viên.

SEAMEO và Khu vực Giáo dục Đại học Đông Nam Á

Trong khi AUN của ASEAN hoạt động trên nền tảng tiểu vùng, Học viện Phát triển Giáo dục Đại học SEAMEO (RIHED) hướng đến mục tiêu cao hơn: thành lập Khu vực Giáo dục Đại học Đông Nam Á (SEA-HEA). Cho đến nay, ba quy trình khu vực hóa đầu tiên đã khởi đầu công việc này: Dự án thí điểm trao đổi sinh viên của Malaysia, Indonesia, Thái Lan (M-I-T) và hai cơ chế hài hoà khu vực là Mạng lưới đảm bảo chất lượng ASEAN (AQAN) và Hệ thống chuyển đổi tín chỉ Đông Nam Á (SEA-CTS). Với sự hỗ trợ của Hệ thống trao đổi Đại học ở châu Á và Hệ thống Chuyển đổi tín chỉ Thái Bình Dương (UCTS), 23 trường đại học thuộc M-I-T đã trao đổi 1130 sinh viên đại học trong quá trình triển khai dự án (2010-2014). Hiện nay, M-I-T đang phát triển một thương hiệu toàn diện hơn, Mạng lưới trao đổi sinh viên Quốc tế ASIAN (AIMS), và kế hoạch mở rộng phạm vi của nó bao gồm 4 quốc gia khác là Brunei Darussalam, Nhật Bản, Philippines và Việt Nam. Trái với M-I-T, hoạt động của AQAN và SEA-CTS rất khó đo lường; tuy nhiên, rất có thể hai cơ chế khu vực này sẽ hiển thị rõ hơn trong Mạng lưới AIMS.

CAMPUS Asia

Xuất hiện gần đây nhất trong bối cảnh hợp tác khu vực ở Đông Á là một chương trình trao đổi sinh viên ba bên gọi là Chương trình Hợp tác Trao đổi Sinh viên Đại học ở châu Á (CAMPUS Asia). Ra đời từ năm 2012 như một dự án thí điểm dưới sự điều hành của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, CAMPUS Asia tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi cả sinh viên đại học và sau đại học thông qua chuyển đổi tín chỉ, chương trình học cấp bằng đôi và chương trình hợp tác đào tạo, nhằm mục đích phát triển những “chuyên gia châu Á tài năng” trên cơ sở chia sẻ nền tảng tài nguyên và kiến thức. Các chuyên gia này dự kiến sẽ trở thành các đại sứ có kiến thức cạnh tranh quốc tế của khu vực Đông Bắc Á. Có lẽ chương trình này còn đặt ra một mục tiêu thứ cấp nữa là giảm bớt hiện tượng chảy máu chất xám của Trung Quốc và Hàn Quốc (nguồn vốn trí tuệ đang chảy sang các điểm đến học tập và làm việc phổ biến như Bắc Mỹ và châu Âu); đồng thời tạo ra nhu cầu quốc tế đối với giáo dục đại học của khu vực đang phải đối mặt với triển vọng giảm tỷ lệ nhập học (Nhật Bản và Hàn Quốc).

Hạn chế của khu vực hóa ở Đông Á

Nếu tách riêng ra, các kế hoạch khu vực hóa được mô tả ở trên đều có tiềm năng mang lại nhiều lợi ích trong phạm vi địa lý của chúng: sự hiểu biết liên văn hoá sâu sắc hơn; sự chia sẻ kiến thức; kênh quốc tế cho lao động lành nghề; sự ổn định và hòa bình trong khu vực. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận như một tổng thể, chúng đại diện cho tình trạng chắp vá trong giáo dục đại học khu vực, bao gồm sự loại trừ lẫn nhau và trong một số trường hợp, sự chồng chéo và phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và chính trị giữa các quốc gia trong khu vực. Những lực lượng thiếu sự phối hợp này có thể gây ra căng thẳng về địa chính trị, vì các mạng lưới khu vực có khả năng tham gia vào các hoạt động chính trị và các hành vi mang tính phô trương, đặc biệt là khi các chương trình mở rộng ra các vùng lân cận và cố gắng lôi kéo các quốc gia đã là thành viên của các sáng kiến khác.

Ví dụ, nhóm ba quốc gia Đông Bắc Á có kế hoạch lôi kéo một số nước thành viên ASEAN và/ hoặc thành viên của SEAMEO tham gia vào CAMPUS Asia, trong khi cả ASEAN và SEAMEO đã chấp thuận khả năng mở rộng AUN và AIMS theo hướng đông bắc, đó là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Khi khả năng phát triển quan hệ đối tác khu vực mở ra, các nước là thành viên của nhiều tổ chức có thể lựa chọn để tôn vinh hoặc dành nhiều nguồn lực hơn cho những mối quan hệ hợp tác nào sẽ đem lại nhiều lợi ích nhất (ví dụ như uy tín, sự ủng hộ chính trị hoặc nguồn lực) hoặc cả hai. Sự ra đời của những quan hệ hợp tác ASEAN+1 (ví dụ ASEAN-Nhật Bản) – có thể gây tổn hại cho sự phát triển của nhóm lớn hơn là ASEAN+3 – là một minh hoạ cho quan điểm này. Trong các trường hợp khác, các mạng lưới khu vực có thể đối mặt với tình huống các nguồn lực trở nên “quá mỏng” khi các quốc gia thành viên phải chia nguồn tài chính, nhân lực và thời gian cho quá nhiều các sáng kiến khu vực. Tóm lại, các hoạt động ưu tiên có thể làm phương hại đến việc nuôi dưỡng các mối quan hệ hợp tác bền vững trong khu vực và cản trở chính các kế hoạch khu vực hóa được nhiều quốc gia thành viên chia sẻ. Có lẽ, việc hình thành một cộng đồng giáo dục đại học chung bao gồm tất cả các nước Đông Á cũng là vấn đề gây tranh cãi.

Một thách thức khác mà các tổ chức khu vực ở Đông Á đang phải đối mặt là tìm kiếm sự hài hoà trong một khu vực địa lý cực kỳ phân cực về văn hoá, ngôn ngữ, các tiêu chuẩn chất lượng giáo dục và các quy tắc và quy định quốc gia, đặc biệt các giao thức thị thực và lịch học. Các công cụ tham khảo như AQAN, UCTS và ACTS đã giúp giảm thiểu những khác biệt rõ rệt nhất và tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi sinh viên trong các nhóm ưu tú như AUN và các dự án thí điểm quốc tế. Nhưng vẫn rất cần thiết phát triển những cơ chế hài hoà, mở rộng với mục tiêu cân bằng lợi ích giáo dục trên khắp Đông Á nói chung. Nhận thức được hạn chế này,

Hiện tượng này đã dẫn đến bối cảnh phân mảnh trong quá trình khu vực hóa giáo dục đại học tại Đông Á.

SEAMEO RIHED và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã bắt đầu phát triển một công cụ tham khảo toàn diện, cho toàn Đông Á được gọi là Khung chuyển giao Tín chỉ Học thuật (ACTFA). Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu các mạng lưới khu vực đang cùng tồn tại ở Đông Á có hoan nghênh khung chuyển giao tín chỉ này, đặc biệt trong bối cảnh họ có xu hướng thúc đẩy các chương trình trao đổi tự xây dựng và các cơ chế hài hòa vốn có nguồn gốc ở các tiểu khu tương ứng. Hiện tại, CAMPUS Asia dường như đang tìm cách xây dựng khung CTS và QA cho riêng mình và AUN, như đã đề cập, đang sử dụng AUN-QA và ACTS.

Với tình hình hiện tại, lúc này có lẽ là thời điểm tốt để nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác chặt chẽ giữa các mạng lưới khu vực ở Đông Á. Mục đích là giảm nhẹ bất kỳ căng thẳng địa chính trị nào có thể là đặc trưng của quá trình khu vực hóa Đông Á ngày nay và phát triển các cách thức hiệu quả chia sẻ kiến thức và nguồn lực giữa các mạng lưới khu vực để cân bằng các lợi ích giáo dục đại học trong toàn khu vực. Có lẽ theo cách này, Đông Á có thể bắt đầu tiến tới một chương trình nghị sự về khu vực hóa toàn diện để tạo ra một cộng đồng giáo dục đại học toàn Đông Á duy nhất.