Giáo dục đại học Trung Quốc: “trần kính” và “nền đất sét”

Philip G. Altbach

Philip G. Altbach là giáo sư nghiên cứu và là giám đốc sáng lập của Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế tại Boston College. E-mail: [email protected]

Thành tựu ấn tượng của giáo dục đại học Trung Quốc đang che khuất những rào cản rõ ràng trên con đường họ tìm kiếm vị trí đỉnh cao trong hệ thống học thuật toàn cầu, cũng như làm mờ đi những vấn đề nghiêm trọng ở dưới đáy của hệ thống. Các vấn đề chính trong cấu trúc tạo nên một tấm “trần kính” có thể ảnh hưởng đến sự thăng tiến trên các bảng xếp hạng quốc tế. Bài viết này tiếp nối bài “Văn hoá học thuật độc hại tại Đông Á” của Rui Yang, một phân tích rất chi tiết đã công bố trên số Mùa đông 2016 của tạp chí Giáo dục đại học quốc tế, trong đó nhấn mạnh những thách thức mà các đại học trong khu vực đang phải đối mặt, từ vấn đề tham nhũng cho đến những ảnh hưởng vụn vặt trong bổ nhiệm các chức danh học thuật.

Trung Quốc tập trung đầu tư vào một số ít trường đại học nghiên cứu quan trọng, chủ yếu là các cơ sở thuộc một nhóm hạn chế các trường đại học hàng đầu của Trung quốc, đã nhận hàng tỷ USD tài trợ từ hai dự án nổi tiếng 985 và 211. Không có gì phải nghi ngờ, việc đầu tư này đã tạo được năng lực nghiên cứu đáng kể và cơ sở hạ tầng đẳng cấp quốc tế tại các trường hàng đầu của Trung Quốc, và có thể sẽ tiếp tục tạo ra các kết quả ấn tượng trong các thập kỷ tiếp theo. Tuy nhiên, Trung Quốc lục địa hiện chỉ có hai trường trong bảng xếp hạng toàn cầu Top 200 của Times Higher Education, so với con số tương ứng là 3 của Hồng Kong nhỏ bé – thực tế là một phần nhỏ thuộc Trung Quốc nhưng lại hoàn toàn khác biệt về văn hoá học thuật.

“Trần kính” và “Nền đất sét”

“Trần kính” và “Nền đất sét” nghĩa là gì? Chúng tôi dùng từ “Trần kính” để ám chỉ một loạt các điều kiện cản trở các đại học Trung Quốc tiến tới các vị trí hàng đầu trong các bảng xếp hạng toàn cầu, và quan trọng hơn, trong việc khai thác toàn bộ tiềm năng để đạt được sự xuất sắc trong nghiên cứu và giảng dạy.

“Nền đất sét” có nghĩa Trung Quốc đang phát triển một nền giáo dục thiếu cân bằng. Trong khi các đại học hàng đầu được tài trợ một cách hào phóng và nhiều trường hiện nay đã có thể cạnh tranh với các đại học tốt nhất toàn cầu; thì điều này không diễn ra với các đại học nhỏ hơn, các đại học ứng dụng (bách khoa), hoặc các trường cao đẳng đang tiếp nhận số lượng lớn sinh viên của toàn hệ thống trong 2 thập kỷ vừa qua (Trung Quốc hiện nay có số lượng sinh viên lớn nhất thế giới). Phần lớn các trường đại học công, thuộc nhóm “đào tạo theo nhu cầu” và một lượng ngày càng tăng các đại học tư ở tầng đáy của hệ thống không được đầu tư thích đáng và có chất lượng đào tạo thấp. Rất nhiều người đã chỉ trích tình trạng này, và nêu rõ rằng nhiều sinh viên tốt nghiệp từ các trường này không được chuẩn bị tốt để gia nhập thị trường lao động, do đó không kiếm được việc làm.

Trong khi 100 trường đại học hàng đầu của Trung Quốc đạt được những tiến bộ đáng kể, xu thế đại chúng hóa tiếp tục tạo áp lực cho các tổ chức ở tầng dưới cùng của hệ thống.

Có một vài đại học chất lượng cao, tinh hoa là không đủ. Một hệ thống giáo dục đại học được coi là thành công khi cung cấp chất lượng phù hợp cho tất cả các trình độ, và đảm bảo tất cả sinh viên được chuẩn bị đầy đủ để hoà nhập thành công trong thị trường lao động. Trung Quốc cần một hệ thống tích hợp sự đa dạng có thể đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng sinh viên khác nhau, và hỗ trợ thích đáng các trường đại học thực hiện sứ mệnh của mình. Trung Quốc không phải là trường hợp duy nhất với hệ thống giáo dục đại học thiếu cân bằng, nhưng vấn đề “nền đất sét” tại tầng đáy của hệ thống phân cấp học thuật tại Trung Quốc đang tạo ra những vấn đề nghiêm trọng cho toàn hệ thống nói chung.

Quan liêu hành chính quá mức và tư duy hạn hẹp

Nhiều người đã chỉ ra các ví dụ minh họa tư duy hạn hẹp của Trung Quốc về giáo dục đại học. Các quy định của chính phủ yêu cầu giáo dục đại học phải được xác định trên cơ sở các môn học truyền thống – nếu một trường muốn có được tư cách pháp nhân và nhận được hỗ trợ phù hợp. Tất nhiên trong thế kỷ 21, đào tạo liên ngành ngày càng quan trọng, do đó giới hạn đào tạo chỉ theo ngành hẹp là vô nghĩa. Điều này chỉ tạo ra những hạn chế cho sự sáng tạo và đổi mới trong khoa học. Các ví dụ sau đây minh hoạ cách thức những học giả Trung quốc lách luật để phù hợp với yêu cầu của cấu trúc và sự quan liêu. Một đại học nổi tiếng của Trung Quốc phải bảo vệ chương trình “nghiên cứu giáo dục đại học” như một “ngành học” để Viện nghiên cứu giáo dục của họ được công nhận, được phép tuyển giảng viên và cấp bằng. Trong thực tế, nghiên cứu giáo dục đại học là một lĩnh vực liên ngành kết hợp những hiểu biết và phương pháp từ một loạt các ngành khoa học xã hội, và trong bất kỳ trường hợp nào cũng không phải là một ngành học truyền thống. Nghiên cứu và giảng dạy các môn học về giáo dục đại học vẫn được tiến hành trên cơ sở đó, nhưng một chút linh động và “tư duy thế kỷ 21” sẽ làm cuộc sống dễ dàng hơn, và mở ra các cơ hội tốt hơn cho giới học thuật. Gần đây, nhà cầm quyền Trung Quốc đã bắt đầu hỗ trợ cho một số sáng kiến liên ngành tại một số đại học hàng đầu, và điều này có thể là tín hiệu tốt cho tương lai.

Một chính sách vô ích khác quy định một khoa thuộc trường đại học hay viện nghiên cứu chỉ có thể ký các hợp đồng biên chế với giảng viên, nếu đơn vị đó có hoạt động đào tạo ở bậc đại học. Trên thế giới, không phải là không phổ biến hiện tượng một khoa hay một đơn vị học thuật không đào tạo bậc đại học mà tập trung vào đào tạo sau đại học hoặc nghiên cứu, nhưng họ vẫn giữ quyền ký hợp đồng và đề bạt giảng viên. Tại Trung Quốc, nơi hệ thống biên chế thay đổi rất chậm trong các đại học hàng đầu, những quy định cứng nhắc và thậm chí là phản tác dụng vẫn đang được ban hành.

Trong lịch sử, hệ thống giáo dục đại học của Trung Quốc là một sự kết hợp những thứ tồi tệ nhất của thế giới – hầu hết hợp đồng của cán bộ, giảng viên trước đây được gia hạn một cách tự động mà không có bất kỳ đánh giá công việc nghiêm túc nào, đồng thời, giảng viên không có quyền tự do học thuật hoặc những đảm bảo khác. Mặc dù việc đánh giá giảng viên trong các trường đại học thuộc tốp trên ngày càng trở nên phổ biến, nhìn chung, có rất ít – nếu không muốn nói là hoàn toàn không có – những biện pháp để đo lường năng suất giảng dạy và nghiên cứu, điều này dẫn đến sự tầm thường hoá lan tràn ở phần còn lại của cả hệ thống.

Những xu hướng tương lai

Nhiều nhà quan sát phương Tây và Trung Quốc khẳng định rằng các trường đại học Trung Quốc sẽ sớm giành được những vị trí dẫn đầu trong các bảng xếp hạng đại học thế giới. Nhưng thực trạng, như đã trình bày trong bài này, cũng như các thách thức khác, ví dụ các lực cản đối với tự do học thuật, khó khăn trong việc xây dựng văn hoá học thuật không có đạo văn, nâng cao lương bổng cho giảng viên, sẽ ngăn cản Trung Quốc vươn lên vị trí hàng đầu. Hơn thế nữa, và cũng rất quan trọng, việc bỏ qua các vấn đề sâu rộng ở tầng dưới của hệ thống học thuật tại Trung Quốc đang tạo ra sự bất bình đẳng đáng kể, với các đại học ở tầng dưới đang chịu ảnh hưởng từ việc không được đầu tư đúng mức và tạo ra chất lượng đáng ngại. Nhiều trường đại học thuộc nhóm này đã chuyển thành trường bách khoa (đại học ứng dụng), điều đó có thể góp phần tạo nên một hệ thống giáo dục đại học hợp lý hơn tại Trung Quốc. Trong khi 100 trường đại học hàng đầu của Trung Quốc đạt được những tiến bộ đáng kể, xu thế đại chúng hóa tiếp tục tạo áp lực cho các tổ chức ở tầng dưới cùng của hệ thống

Khi tiên đoán về tương lai của giáo dục đại học Trung Quốc, điều quan trọng là phải nhìn vào thực trạng của hệ thống như một tổng thể và không để bị mê hoặc bởi những thành tựu nhanh chóng và ấn tượng của các đại học hàng đầu. Tiềm ẩn trong hệ thống là những vấn đề sâu sắc không những chưa được giải quyết, mà còn chưa được nhận diện, và đó là những vấn đề then chốt có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ lâu dài của cả nền giáo dục đại học.