Bước ngoặt của giáo dục đại học Hồng Kông

Philip G. Altbach là Giáo sư nghiên cứu và là Học giả xuất sắc của Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế, Đại học Boston, US. Email: [email protected]. Gerard A. Postiglione là giáo sư danh dự và là điều phối viên tập đoàn Nghiên cứu Giáo dục Đại học châu Á, Khoa Giáo dục, Đại học Hồng Kông, Email: [email protected].

Tóm tắt: Trong năm qua, các trường đại học Hng Kông phải đối mặt với những thách thức chưa từng có. Tình trạng bất ổn xã hội kéo dài ảnh hưởng đến tương lai của Hồng Kông đã lên đỉnh điểm khi Trung Quốc Đại lục áp đặt luật an ninh mới nhằm hạn chế phần lớn quyền tự trị của lãnh thổ này, gây chấn động các trường đại học và toàn xã hội. Mặc dù những tác động của bộ luật chưa được phân tích đầy đủ, có thể thấy các trường đại học Hồng Kông sẽ mất đi sức hấp dẫn quốc tế và bị giảm quyền tự chủ. Câu hỏi về tự do học thuật cũng được đặt ra.

Trong năm vừa qua một cuộc khủng hoảng chưa từng có đã xảy ra ở Hồng Kông. Những cuộc biểu tình kéo dài và bạo lực, với sự tham gia tích cực của sinh viên, liên quan đến dự luật dẫn độ, tương lai nền dân chủ, đại dịch Covid-19, và luật an ninh quốc gia mới của chính phủ trung ương – đã gây ra tâm lý lo ngại và không chắc chắn về tương lai của giáo dục đại học. Sau nhiều tháng gián đoạn hoạt động ở một số học xá đại học, cộng đồng học thuật Hồng Kông và thế giới đã đặt ra nhiều câu hỏi. Người dân đang phải hứng chịu một làn sóng COVID-19 khác và lo lắng về việc luật an ninh mới được áp dụng, mà đối với một số người đó là dấu hiệu đáng ngại về những điều sắp đến. Tất nhiên còn quá sớm để đánh giá chính xác ý nghĩa của bộ luật trong thực tế, nhưng cũng nên xem xét giáo dục đại học trong bối cảnh hiện tại và cân nhắc những rủi ro tiềm ẩn.

Sức mạnh truyền thống của giáo dục đại học Hng Kông

Năm 2012, chúng tôi đã viết một bài báo có tựa đề “Lợi thế học thuật của Hồng Kông” (IHE, số 66, Mùa đông 2012). Bài báo đã được dịch sang tiếng Trung và được xuất bản trên một tạp chí giáo dục nổi tiếng của Trung Quốc Đại lục. Bài báo phản ánh những lý do vì sao Hồng Kông, mặc dù có quy mô nhỏ, lại có một tỷ lệ cao những trường đại học được đưa vào bảng xếp hạng toàn cầu (3 trường trong tốp 100, 5 trường trong top 200 toàn cầu). Và nhìn chung là một hệ thống đại học chất lượng cao.

Bài báo nêu ra những yếu tố chính. Trong đó có quyền tự do học thuật của giảng viên, sinh viên và tự do lên tiếng về những vấn đề công. Các nhà khoa học, học giả và sinh viên không bị giới hạn truy cập thông tin và không bị hạn chế xuất bản kết quả nghiên cứu khoa học. Các trường đại học có quyền tự quản và tự chủ cao, đồng thời được chính phủ hỗ trợ mạnh mẽ và định hướng toàn diện về chính sách giáo dục đại học. Tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến trong giảng dạy và nghiên cứu trong hầu hết các trường đại học. Hồng Kông lựa chọn Hiệu trưởng cho các trường đại học trên cơ sở sự nổi tiếng của họ trong tư cách các nhà khoa học/ học giả quốc tế, và các trường đại học Hồng Kông được quốc tế hóa theo cách độc đáo bằng việc tuyển dụng những học giả hàng đầu từ khắp thế giới. Sinh viên quốc tế đến từ tất cả các châu lục, và có mối liên kết chặt chẽ với các trường đại học trên toàn thế giới. Giới học thuật của Hồng Kông không những có tầm quốc tế, mà còn có hiệu năng cao, công bố những nghiên cứu nổi bật và nhận tài trợ nghiên cứu lớn từ nguồn địa phương, quốc gia và quốc tế. Họ đóng góp cho khoa học toàn cầu cũng như cho nền kinh tế năng động và xã hội dân sự của vùng lãnh thổ này. Thành công học thuật của Hồng Kông rất đáng kể nếu tính theo số trường đại học được xếp hạng toàn cầu của vùng lãnh thổ có số dân 7 triệu người này so với 1,4 tỷ của Trung Quốc Đại lục.

Trong bài báo của IHE, chúng tôi đã chỉ ra một số lý do khiến chúng tôi tin rằng cách thức tổ chức nền học thuật Hồng Kông mang lại cho họ lợi thế độc đáo so với các trường của Trung Quốc đại lục. Từ khi đó, các trường đại học của Trung Quốc đại lục, đặc biệt những trường hàng đầu đã đạt được những tiến bộ rất ấn tượng. Nhưng thực tiễn của bộ máy quan liêu bảo thủ cùng với sự kiểm soát chính trị toàn diện, mức lương thấp, hạn chế tự do học thuật, hạn chế tiếp cận thông tin trong một số lĩnh vực, cộng với những định kiến trong khoa học, đã phần nào kìm hãm sự tiến bộ. Trong vài năm gần đây, chính phủ Trung Quốc tăng thêm những quy định hạn chế và chính trị hóa sâu hơn đối với các trường đại học.

 

Việc chính quyền áp dụng luật an ninh mới đã tạo ra một ý thức mới về thực tế – cho xã hội và giáo dục đại học.

 

Điểm ngoặt của Hồng Kông

Việc chính quyền áp dụng luật an ninh mới đã tạo ra một ý thức mới về thực tế – cho xã hội và giáo dục đại học. Điều này ảnh hưởng thế nào đến sức hấp dẫn của đại học Hồng Kông đối với sinh viên quốc tế vẫn chưa rõ ràng. Từ góc độ chính sách và an ninh, nhiều sinh viên từ Trung Quốc đại lục từng lên kế hoạch học tập tại Hoa Kỳ hiện xem châu Âu, Hồng Kông và Singapore là những lựa chọn thích hợp hơn. Mặt khác, nếu Hồng Kông trở thành “một thành phố của Trung Quốc”, thì nó sẽ mất đi tính đặc biệt trong giáo dục đại học. Trước khi rơi vào sự bất ổn, chính quyền trung ương đã có kế hoạch để các trường đại học Hồng Kông là trung tâm của Đại Sáng kiến Vùng Vịnh mới (Hồng Kông, Macao và bảy thành phố của tỉnh Quảng Đông), nhằm xây dựng một Thung lũng Silicon kiểu Trung Quốc. Tình hình thay đổi có thể dẫn đến việc chính quyền trung ương chuyển hướng đầu tư sang xây dựng nhiều trường đại học hàng đầu hơn ở vùng lân cận Quảng Đông, bao gồm các đặc khu kinh tế Thâm Quyến và Chu Hải.

Tác động của luật mới đến giáo dục đại học

Dù chưa thể đánh giá được đầy đủ tác động của bộ luật đối với các trường đại học Hồng Kông, vẫn có thể nhận ra một vài dấu hiệu. Năm trong số tám Hiệu trưởng các trường đại học công lập đã tuyên bố ủng hộ luật an ninh quốc gia, đồng thời tuyên bố rằng họ sẽ kiên trì đeo đuổi những nguyên tắc tự do học thuật và tự chủ đại học. Liệu việc thực hiện những cam kết này có làm nảy sinh những vấn đề phức tạp trong thực tế hay không?

Hội đồng học thuật của một trường đại học hàng đầu đã quyết định giữ lại một học giả từng bị đi tù vì tham gia vào một cuộc biểu tình gây mất trật tự. Chính phủ đã loại bỏ một số sách khỏi các thư viện công cộng để điều tra xem liệu chúng có vi phạm luật an ninh mới hay không, nhưng dù bị loại bỏ, chúng vẫn có thể được tìm thấy trên Internet – trừ phi chính phủ quyết định chặn (một hành động chưa từng có) những trang web này. Sau khi luật an ninh mới được ban hành, nửa triệu người dân Hồng Kông đã đăng ký bỏ phiếu trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng chính trị đối lập, việc mà chính quyền cho rằng vi phạm luật an ninh mới. Những môn học khai phóng là bắt buộc ở trường trung học nhằm thúc đẩy tư duy phản biện và tương thích với những chương trình đại cương ở đại học. Trong năm nay chính phủ sẽ công bố cách xử lý chủ đề gây tranh cãi này, mà các nhà phê bình cho rằng đã góp phần gây ra những bất ổn xã hội kéo dài nhiều tháng ở Hồng Kông.

Luật mới không hạn chế sinh viên và học giả đến hoặc đi khỏi Hồng Kông. Tuy nhiên một học giả quốc tế nổi tiếng đã đưa ra lời cảnh báo “ngay từ bây giờ phải hết sức thận trọng trong việc hợp tác với các đồng nghiệp Trung Quốc và Hồng Kông”, một hiệp hội học thuật quốc tế lớn đã cảnh báo các thành viên, lưu ý rằng “luật mới tỏ ra mơ hồ và mở rộng thêm nhiều loại hành vi phạm tội khiến chúng ta không thể biết được lời nói và hành động nào sẽ dẫn đến hậu quả pháp lý nghiêm trọng”.

Những mâu thuẫn này chưa khẳng định sự thay đổi đáng kể đối với đời sống học thuật, nhưng có thể khiến các nhà khoa học và học giả trong cộng đồng học thuật toàn cầu phải cân nhắc sự nghiệp học thuật ở Hồng Kông hoặc hợp tác học thuật với các trường đại học Hồng Kông.

Kết luận

Sức hấp dẫn chính của giáo dục đại học Hồng Kông, cũng như của nền kinh tế và xã hội Hồng Kông nói chung là sự cởi mở, quốc tế hóa và chủ nghĩa thế giới (cosmopolitanism) đã thành truyền thống. Nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” cho đến nay vẫn mang lại lợi ích cho nền giáo dục đại học Hồng Kông. Nếu mất đi những gì tạo ra điều đó, giáo dục đại học Hồng Kông có thể mất đi tính đặc biệt và Hồng Kông cũng mất đi lợi thế cũng như uy tín quốc tế.